Thần Khoa Học

Thần Khoa Học

Buông đao có thành Phật?


Chú thím Năm đang ngồi nói chuyện với nhau. Thím Năm:
_ Đạo Phật đúng là đạo từ bi. Dù tội ác như thế nào, nhưng đã “buông đạo lập địa thành Phật” ngay liền, hé ông.
Út Tèo ngồi gần đó liền vung tay:
_ Má nói dzậy, sau này con cứ tha hồ giết người cướp của, xong, buông đao lập địa cũng thành Phật ngay liền, hả má?
Chú Năm thở phì phì, lắc đầu quầy quậy:
_ Đó, bà thấy chưa, cứ nghe càn nói bậy, làm hư chính con cái mình chứ ai!
Thím Năm phân bua:
_ Tui nghe mấy thầy dạy thế, biết đâu!
_ Tui đã nói bà rồi, nghe bất kỳ ai nói Phật dạy thế này, Bồ-tát nói thế kia, bà phải hỏi họ liền ngay tức khắc: Phật dạy trong chánh Kinh nào? lúc nào? ở đâu? trang mấy? chương mấy? Vàng, kim cương người ta còn giả được. Giả lời Phật có khó gì? Bộ mấy thứ ác ma muốn phá đạo Phật chúng không dám mạo danh Phật gạt người hay sao mà cứ tin bừa?
Thím Năm chống chế:
_ Có thầy còn dẫn chứng ông Angulimala trong kinh nữa mà! Ổng giết tới 999 người, nhưng cuối cùng được Phật đến hoá độ, ổng thành A La Hán tức thì!
_ Kinh nào dạy như vậy, bà nói tui nghe? Sao Phật phải “đợi” ổng giết tới 999 người mới cứu? Sao Ngài không cứu sớm hơn để ổng đỡ giết người?
Thím Năm im re. Chú Năm nhẹ nhàng:
_ Tui đọc nhiều rồi, trong chính bài kinh Angulimala, số 86, Trung Bộ 2 và tất cả tạng Pali nguyên thuỷ không thấy nói ổng giết 999 người. Nó chỉ có trong luận giải của mấy ông Bà-la-môn mà thôi. Họ thổi bùng con số này để xuyên tạc luật nhân quả của Đạo Phật: cho dù ông Angulimala giết nhiều người nhưng vẫn được cứu rỗi dễ dàng. Bà hiểu không?
_ Mèn đéc, mấy ông Bà-la-môn hiểm ác thế sao?
_ Còn phải hỏi. Nếu họ hiền như bà thì Phật giáo đâu đến nỗi phải biến mất tại Ấn Độ. Bà nên nhớ thêm, trong Chánh Kinh có nói rõ, dù ngài Anguliama đã cố tâm hoàn lương, nhưng sau đó ngài vẫn phải cắn răng chịu đựng biết bao trận đòn thù vì nghiệp nhân quả. Để tui đọc chánh kinh cho bà nghe.
Nói xong, chú Năm đến bên tủ kinh sách lấy kinh Trung Bộ. Thím Năm ngồi ngay ngắn chăm chú.
_ Bà nghe nguyên văn này, “Rồi Tôn giả Angulimala buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, một cục đất do một người ném, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một cây gậy do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một hòn sỏi do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala. Rồi Tôn giả Angulimala bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy Tôn giả Angulimala từ xa đi đến, thấy vậy, liền nói với Tôn giả Angulimala: "Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ Ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm". Đó, bà thấy chưa, nhân quả rõ ràng như thế chứ làm gì có chuyện buông đao lập địa là thành Phật dễ dàng.
_ Làm người tốt đã khó, Thánh tăng còn khó trăm bề, huống hồ thành Phật, ông nhỉ?
_ Đúng vậy, các luận sư Bà-la-môn vẽ ra câu quái ác ấy với nhiều thâm ý: Thứ nhất, dụ dỗ mấy kẻ ngây thơ như thằng Tèo con bà nghĩ xằng làm bậy. Thứ hai, phá hoại Chánh Pháp và thứ ba, tầm thường hoá danh hiệu Phật.
Nãy giờ im lặng nghe ba má nói chuyện, đến đây Tèo đã ngộ được nhiều điều, vội lên tiếng:
_ Hoá ra má con mình có “Pháp sư” bên cạnh mà không chịu học hỏi. Nghe lời ba, từ nay con chỉ tin chánh Kinh nguyên thuỷ của Phật mà thôi. Không căn cứ theo đây, nghe càn tin bậy mang tà kiến khó thoát khỏi địa ngục.
Chú thím Năm nhìn Tèo, rồi quay sang nhìn nhau mỉm cười sung sướng.

QUÁ SỢ!


Một nhóm cư sĩ đang ngồi thảo luận với nhau trong sân chùa Chánh Ngữ. Cư sĩ áo lam nêu vấn đề:
_ Trong khi Đức Phật khuyến khích thuyết pháp bằng ngôn ngữ địa phương, thế nhưng nhiều giảng sư lại thích xổ tiếng nước ngoài. Mình ngu si dốt nát, nghe không hiểu gì cả, sợ quá!
Cư sĩ áo trắng:
_ Có giảng sư còn hùng hồn phán rằng “Pali là tiếng Đức Phật dùng cho nên Phật tử phải biết, còn ông thầy nào không biết Pali là ngu dốt”!
_ Biết thêm một ngôn ngữ trong nghiên cứu là tốt. Nhưng ở đây “xổ” tiếng của Phật với đại chúng không phải Phật, chẳng khác nào muốn khủng bố, hù dọa kẻ mù Pali.
_ Vậy hãy ráng học Pali đi!
_ Kẻ rành tiếng Pháp chưa chắc đã có văn hóa Pháp, văn minh Pháp. Người nói sõi tiếng Việt chưa chắc yêu nước Việt, làm lợi ích cho nước Việt. Vả lại, trong Chánh kiến không có kiến Pali. Chánh tư duy không có tư duy Pali. Chánh ngữ không có ngữ Pali. Chánh nghiệp không có nghiệp Pali. Chánh mạng không có mạng Pali. Chánh tinh tấn không có tinh tấn học Pali. Chánh niệm không có niệm Pali. Chánh giới không có giới bắt buộc học Pali. Và đương nhiên, Chánh định cũng không có định Pali. Biết Pali là tốt, nhưng nghe “xổ” nhiều quá, tôi sợ tái cả người!
_ Sợ chi?
_ Dạ, sợ các Tỳ-kheo chỉ biết tiếng Pali mà không biết thực hành Bát Chánh Đạo và Thánh giới luật! Mấy pháp này khác nhau nhiều lắm!

HÝ LUẬN


Một A-tu-la với ánh sáng chói loà hiện đến hỏi Thiền sư:
_ Làm thế nào để đoạn diệt tâm sân?
_ “Ngã” nào đang hỏi? Thiền sư mỉm cười khai thị.
A-tu-la nạt lớn:
_ Hỏi gì ngu thế?
Thiền sư vụt đứng dậy, mặt hầm hầm, bỏ đi.

CHÂN ĐẾ, TỤC ĐẾ






Chân đế là chân lý chân chánh được Đức Thế Tôn tuyên thuyết.

Tục đế là những hý luận, luận giải viển vông của hàng phàm phu tục tử “đế” thêm vào lời dạy của Phật.


PHÁT TAI HAY PHÁT TÀI?

Phát tai hay phát tài?
Tết đến, hai cư sĩ ngồi nói chuyện với nhau trong sân chùa. Cư sĩ áo lam:
- Này ông, tết này nhiều chùa có mốt mới, thầy trụ trì cầm một cọc tiền lì xì cho người đến lễ chùa. Còn chỗ khác tu sĩ ngồi cả hàng dài như ăn xin để nhận tiền lẻ từ khách. Mấy ổng gọi là phát lộc, “Bát hội” đầu năm. Tui thấy chướng quá!
Cư sĩ áo trắng lắc đầu:
- Hừ, phát tài hay phát tai? Tui hỏi ông: Tăng Ni nhận tiền, giữ tiền là phá giới hay giữ giới?
- Phá giới chứ giữ giới sao được!
- Đồng tiền cho và nhận từ kẻ phá giới có thanh tịnh hay không thanh tịnh?
- Không thanh tịnh.
- Đồng tiền không thanh tịnh đem lại may mắn hay không may mắn?
- Không may mắn.
- Người tu và cư sĩ nào hiểu đạo, giữ giới chẳng ai làm điều phi pháp, phi luật như vậy.
- Tui thấy nhiều nơi phát lộc đầu năm bằng những câu Pháp Cú, những lời Phật dạy, thiệt ý nghĩa vô cùng.
- Đúng vậy. Mấy chùa đó chúng ta đến viếng và nhớ lại lời Phật dạy là gieo duyên lành đầu năm.
- Như chùa này vậy.
Nói xong, cư sĩ áo trắng bước đến cành mai có treo nhiều bao lì xì, vói tay hái lộc. Vừa đọc xong “lộc Pháp”, cư sĩ áo trắng hớn hở:
- Ông xem có thiêng không, câu Pháp cú số 354 đầu năm dành cho tui nè:"Pháp thí, thắng mọi thí! Pháp vị, thắng mọi vị! Pháp hỷ, thắng mọi hỷ! Ái diệt, dứt mọi khổ!"  
- Lành thay, ông đã được Pháp thí, Pháp vị, Pháp hỷ giúp diệt mọi khổ đau! Còn gì may mắn hơn nữa.

QUẢ BÁO!




Một người nói với vị đại gia nổi tiếng giàu có nhưng keo kiết:

_ Sao ông không làm từ thiện cứu giúp người nghèo, tạo phước cho mình?

_ Chính ông vừa nói đến nhân quả nghiệp báo đấy nhé! Người ta nghèo vì kiếp trước họ không chịu bố thí, kiếp này ráng chịu.

_ Kiếp sau ông cũng sẽ như họ.

_ Dù vậy tôi cũng không tin có nhân quả luân hồi.

_ Nhưng ông phải tin vào nhân tánh luân thường đạo lý chứ! Bò chết còn để da; người biết thương đồng loại, chết để tiếng thơm muôn đời.


Cũng người ấy gặp một người nổi tiếng kỳ thị. Kẻ kỳ thị khiêu khích:

_ Bọn da màu là ngu si, đáng bị khinh ghét.

_ Lẽ thường “cá ăn kiến, kiến ăn cá”; “cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Theo nhân quả rồi đây ông sẽ bị người khác khinh bỉ.

_ Tôi không tin nhân quả. Tôi chỉ biết hiện tại tôi là giai cấp tối thượng.

_ Được thôi, nhưng giả sử người ngoài hành tinh có mầu lông gà chọi và dựa vào đây họ khinh bỉ ông, mổ cắn ông. Ông nghĩ họ có văn minh không, có lương tri không, có nhân tánh không?

_ Tôi không tin có người ngoài hành tinh.

_ Tùy ông, nhưng giữa con người với nhau, nếu muốn hơn kém nhau cũng phải dựa trên những căn bản của con người mà con vật không có, ví như đức hạnh, trách nhiệm, lương tâm… Còn nếu đơn thuần chỉ dựa vào bề ngoài như màu da, lông tóc để hơn thua với nhau, xin lỗi ông, con heo có da trắng hơn ông, chim két có mắt xanh hơn ông, có loài vượn tóc vàng hơn ông.

_ Ý ông muốn nói phải biết phân biệt điều đáng phân biệt, và không nên phân biệt điều không đáng phân biệt?

_ Đúng vậy, đây mới chính là trí tuệ lương tri của một con người.


NGỬA MẶT PHUN TRỜI


Các Thiên Thần ngồi nói chuyện với nhau. Vị Thiên thứ nhất chép miệng:
_ Trên đời có các Ác ma cứ luôn tìm cách này hay cách khác để xuyên tạc đả kích Đức Phật và Đạo Phật.
Thiên thứ hai:
_ Như vậy chúng mới là Ác ma. Đối với một bậc Đạo Sư cả đời nêu gương sống thiện, làm thiện; trước sau chỉ khuyên dạy mọi người làm lành lánh ác, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, và lại còn chỉ rõ con đường giúp con người đoạn diệt khổ đau; tôi hỏi ngài, một bậc Đạo sư như vậy, những người thực sự hiền trí có bao giờ lại đi đả kích?
Thiên thứ ba:
_ Đương nhiên là không rồi, chỉ có thứ ác tà hạnh mới chống đối một vị Thày đáng kính. Thế nhưng các Ác ma rất tinh ranh, chúng thường lý luận lập lờ để phỉ báng giáo lý của Phật.
Thiên thứ tư:
_ Một giáo lý đã tồn tại và phát triển qua hàng ngàn năm không gây ra bất kỳ một cuộc tàn sát nào, không có bất kỳ một cuộc đổ máu nào cho bất kỳ một dân tộc nào. Một giáo lý thiện lành rõ ràng như vậy, những kẻ chống phá càng đả phá bao nhiêu, càng tự phơi bày ác tánh của mình bấy nhiêu.
Đại Phạm Thiên tham gia:
_ Chống phá những giá trị thuộc Chân – Thiện – Mỹ đã được xác định qua hàng ngàn năm như vậy, rõ ràng chỉ có Ác ma hoặc những kẻ phàm phu ngạo mạn ngửa mặt lên trời phun nước miếng.
Các Thiên Nhân đều hoan hỷ đồng ý.


Thần Khoa Học


Một Sinh viên ngành khoa học hỏi sinh viên khoa Phật học:

_ Này cậu, theo cậu có Thánh thần ma quỷ không?

Sinh viên khoa Phật học gật đầu tự tin:

_ Tôi được biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ!

_ Vì sao khi được hỏi “có Thánh thần ma quỷ không”, cậu lại trả lời biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ. Như vậy có phải là hư ngôn vọng ngữ không?

_ Này bạn, khi được hỏi “có Thánh thần ma quỷ không”, thay vì trả lời “có Thánh thần ma quỷ”, lại trả lời “biết một cách chắc chắn có Thánh thần ma quỷ”, như vậy một người có trí sẽ đi đến kết luận không còn nghi ngờ gì nữa là có Thánh thần ma quỷ.

_ Nhưng cậu phải chứng minh.

_ Cậu không thấy người ta quay phim chụp ảnh rõ ràng các Thần Bài, Thần Đèn, ma men, ma túy, ma cô, ma giáo hà rầm đấy sao?

_ Không phải, ý tôi muốn hỏi Thánh thần ma quỷ theo nghĩa tâm linh, siêu hình

_ Nếu vậy, trước hết phải phân biệt hai loại Thánh thần ma quỷ: loại có thật nên tin, và loại không có thật không nên tin.

_ Cậu hãy giải thích rõ hơn.

_ Có loại Thánh thần ma quỷ không có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và có lợi cho mình, cho người, cho xã hội; làm thiện pháp tăng trưởng ác pháp suy giảm, loại Thánh thần ma quỷ này dù không có thật cũng nên tin, huống hồ có thật…

Sinh viên ngành khoa học hào hứng tiếp lời:

_ Ngược lại loại Thánh thần ma quỷ có hại cho mình, cho người, cho xã hội, và không có lợi cho mình, cho người, cho xã hội; làm ác pháp tăng trưởng thiện pháp suy giảm; loại Thánh thần ma quỷ này dù có thật cũng không nên tin, huống hồ không có thật. Ý cậu muốn nói thế?

_ Đúng vậy. Cậu biết một, hiểu hai rồi đấy. Theo cậu, vì sao có những suối Cá Thần, những cánh rừng nguyên thủy không cần ai bảo vệ canh giữ, thế nhưng suối lúc nào cũng trong, cá lúc nào cũng đầy nhóc, môi trường không bị con người phá hoại?

_ Vì những người tại đó đều tin rằng kẻ nào giết cá Thần, chặt đốn cây Thần sẽ bị tai họa.

_ Cũng vậy, nếu mọi người đều tin rằng giết các loài thú hiếm, sắp bị tuyệt chủng hoặc chặt đốn rừng gỗ quý bừa bãi sẽ khiến mình và gia đình mình bị tuyệt tự, gặp tai nạn; khi ấy chắc chắc các loài thú hiếm, các cây gỗ quý sẽ không còn nguy cơ biến mất nữa. Những niềm tin tâm linh ấy có lợi, không có hại, vì vậy nên tin theo và khuyến khích mọi người nên tin theo.

_ Ngược lại có những nơi, một con vật được cho là linh thiêng khi chết cũng không ai dám chôn, làm thối um cả một góc trời. Bữa nào nó nổi hứng nằm ngay giữa xa lộ, thế là kẹt xe, va quẹt, cãi vã. Những niềm tin như vậy có hại, không có lợi, làm ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm. Mình không nên tin và khuyến khích mọi người không nên tin. Tôi nói như vậy có đúng không?

_ Cậu biết hai, hiểu bốn rồi đấy. Nếu các vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội không biết khéo léo gắn kết với vấn đề tâm linh thì dù các cậu có hô hào vận động đến hết kiếp, môi trường tự nhiên và xã hội vẫn bị hủy hoại, không khá lên được. Ngược lại, nơi nào có yếu tố tâm linh có lợi đi kèm, thì môi trường tự nhiên và xã hội ở đó sẽ an ổn hơn, ít bị hủy hoại hơn.

_  Nói như cậu, các nhà khoa học, nhà xã hội học, nhà tâm lý học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo phải ngồi lại với nhau để giúp mọi người nhận thức đúng đắn vấn đề.

_ Còn thiếu một nhà nữa!

_ Nhà gì!

_ Nhà tu. Vì vấn đề tâm linh thuộc lãnh vực của họ.

_ Cậu nói đúng. Tôi sẽ nêu vấn đề này trong hội thảo khoa học trong trường sắp đến.

_ Sadhu, lành thay. Như vậy cậu là một vị Thần Khoa học chân chính rồi còn gì.



Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành

Bác Ba xe ôm hỏi ông bạn hàng xóm là một giáo sư đại học và cũng là một cư sĩ đạo Phật:
- Thưa giáo sư, ông là một nhà khoa học, thuần túy khoa học; thế nhưng tại sao ông cứ nhắc đi nhắc lại với mọi người: “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”? Không lẽ ông vẫn còn duy tâm, mê tín?
Vị giáo sư cười lành:
- Thưa bác Ba, câu “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành” là hoàn toàn duy vật, là hoàn toàn khoa học đấy ạ!
- Hoàn toàn duy vật, hoàn toàn khoa học là sao? Giáo sư có nói đùa không vậy?
- Tôi nói nghiêm chỉnh, thưa bác.
- Nghiêm chỉnh thế nào, ông làm ơn giải thích rõ hơn.
- Vâng thưa bác, nhà tôi có thờ Phật, và tôi nói với các con tôi rằng gia đình ta thờ một bậc Đạo Sư cả đời nêu gương sống thiện, làm thiện; trước sau chỉ răn dạy con người ăn hiền ở lành, đối xử tốt với nhau. Gia đình ta thờ Ngài là để nhắc nhở chúng ta sống theo những lời dạy chân chánh, hiền thiện của ngài, cố gắng giữ gìn năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không dùng rượu và các chất gây nghiện. Thưa bác, mình “có thờ” như vậy “có lành” không ạ?
- Lành quá đi chứ! Thiện quá đi chứ! Nhưng “có thiêng” như thế nào?
- Thưa bác, muốn biết “có thiêng” thật không, phải hiểu rõ “có kiêng” trước đã. “Có kiêng” ở đây không phải là kiêng bóng, kiêng gió, kiêng tà, kiêng vạy, kiêng bừa theo kiểu: “chớ đi mồng bảy, chớ về mười ba”; “không quét nhà mồng một Tết”… Mà “có kiêng” ở đây phải hiểu là kiêng thân không làm điều ác, kiêng miệng không nói lời ác, kiêng ý không nghĩ ác. Thưa bác, chúng ta “kiêng” như vậy “có lành” không ạ?
- Lành thật chứ còn gì nữa. Mình kiêng không sát sanh thì có quả lành không sát sanh. Mình kiêng không trộm cắp tất có quả lành từ không trộm cắp. Mình kiêng không tà hạnh trong các dục, tất có quả lành từ không tà dục. Mình kiêng không nói dối hại người hại mình, sẽ có quả lành không nói dối. Mình kiêng không uống rượu và nghiện ngập, phải có quả lành từ không nghiện ngập.
- Thưa bác, có nhiều quả lành như vậy, thời “có thiêng” không ạ?
- Thiêng quá là thiêng! Nhân quả thiêng thật!
- Đúng vậy. Thưa bác, tin vào “Nhân Quả” như vậy là duy tâm hay duy vật?
- Duy tâm cũng tốt, duy vật cũng tốt luôn!
- Có phản khoa học không?
- Tôi không phải là nhà khoa học, nhưng tôi nghĩ nhà khoa học nào tin như vậy, là nhà khoa học thiện lành, đáng kính trọng.
- Thưa bác, đó là lý do vì sao tôi hay nói “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”.
- Lành thay, từ nay tôi cũng sẽ nhắc nhở mọi người “Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành”!
- Còn tôi sẽ gọi bác là “Giáo sư xe ôm”, bác chịu không?
- Chịu quá chứ lại!


Ma tâm


Hai vị Thiên nhân ngồi nói chuyện với nhau. Vị Thiên thứ nhất:

_ Này ông, có một Dạ-xoa hành tà hạnh, phá nát năm giới, đã thế miệng cứ leo lẻo “Phật tại tâm”, “chúng sanh đồng Phật tánh”.

Vị Thiên thứ hai chép miệng:

_ Nếu quả thật có chuyện “Phật tại tâm” thì cũng có chuyện “Ma tại tâm”. Nếu thật có chuyện “chúng sanh đồng Phật tánh”, tất cũng có chuyện “chúng sanh đồng Ma tánh”.

_ Y còn tự xưng mình cũng có “Phật tánh” và bảo với mụ vợ “Phật đang ở trong nhà còn đi tìm đâu xa” để bắt bà vợ phải hầu hạ cho y.

Vị Thiên thứ hai lắc đầu:

_ Nếu “Phật ở trong nhà”, hẳn Ma cũng biết trú tại gia. Muốn phân biệt đâu là ma, đâu là người tốt; người trí chỉ cần dựa vào giới hạnh quan sát kỹ cũng đủ biết. Tôi hỏi ông, mấy kẻ buôn đồ giả, làm hàng dỏm có bao giờ nói rõ hàng giả hàng thật không?

_ Tất nhiên chúng phải khéo che đậy, phải lập lờ đánh lận con đen để vàng thau lẫn lộn, có vậy mới lừa bịp được người khác.

_ Đúng thế. Một kẻ năm giới giữ không tròn, làm người tốt còn chưa xong, huống hồ đòi làm… cha thiên hạ. Kẻ ấy là ai, ông biết không?

_ Đúng là “ma tại lưỡi” cho nên lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Người tốt, người ngay không lươn lẹo, lếu láo như vậy.

_ Giờ ông đã thấy ra một trong những tà kiến tai hại mà các luận sư Bà-la-môn gián điệp gieo rắc trong Phật giáo chưa?

_ Thấy rồi, nguy hại thật, bọn họ đã dẫn đường cho ma giả Phật, phá hoại đạo pháp. Chỉ có người ngu mới tin theo chúng.

_ Và người trí phải phân biệt rõ để không bị mắc lừa!

Vị Thiên thứ nhất chắp tay vái vị thiện hữu tri thức:

_ Lành thay, cảm ơn ông đã chỉ giáo.