Chú thím Năm đang ngồi nói chuyện với nhau. Thím Năm:
_ Đạo Phật đúng là đạo từ bi. Dù tội ác như thế nào, nhưng đã “buông đạo lập địa thành Phật” ngay liền, hé ông.
Út Tèo ngồi gần đó liền vung tay:
_ Má nói dzậy, sau này con cứ tha hồ giết người cướp của, xong, buông đao lập địa cũng thành Phật ngay liền, hả má?
Chú Năm thở phì phì, lắc đầu quầy quậy:
_ Đó, bà thấy chưa, cứ nghe càn nói bậy, làm hư chính con cái mình chứ ai!
Thím Năm phân bua:
_ Tui nghe mấy thầy dạy thế, biết đâu!
_ Tui đã nói bà rồi, nghe bất kỳ ai nói Phật dạy thế này, Bồ-tát nói thế kia, bà phải hỏi họ liền ngay tức khắc: Phật dạy trong chánh Kinh nào? lúc nào? ở đâu? trang mấy? chương mấy? Vàng, kim cương người ta còn giả được. Giả lời Phật có khó gì? Bộ mấy thứ ác ma muốn phá đạo Phật chúng không dám mạo danh Phật gạt người hay sao mà cứ tin bừa?
Thím Năm chống chế:
_ Có thầy còn dẫn chứng ông Angulimala trong kinh nữa mà! Ổng giết tới 999 người, nhưng cuối cùng được Phật đến hoá độ, ổng thành A La Hán tức thì!
_ Kinh nào dạy như vậy, bà nói tui nghe? Sao Phật phải “đợi” ổng giết tới 999 người mới cứu? Sao Ngài không cứu sớm hơn để ổng đỡ giết người?
Thím Năm im re. Chú Năm nhẹ nhàng:
_ Tui đọc nhiều rồi, trong chính bài kinh Angulimala, số 86, Trung Bộ 2 và tất cả tạng Pali nguyên thuỷ không thấy nói ổng giết 999 người. Nó chỉ có trong luận giải của mấy ông Bà-la-môn mà thôi. Họ thổi bùng con số này để xuyên tạc luật nhân quả của Đạo Phật: cho dù ông Angulimala giết nhiều người nhưng vẫn được cứu rỗi dễ dàng. Bà hiểu không?
_ Mèn đéc, mấy ông Bà-la-môn hiểm ác thế sao?
_ Còn phải hỏi. Nếu họ hiền như bà thì Phật giáo đâu đến nỗi phải biến mất tại Ấn Độ. Bà nên nhớ thêm, trong Chánh Kinh có nói rõ, dù ngài Anguliama đã cố tâm hoàn lương, nhưng sau đó ngài vẫn phải cắn răng chịu đựng biết bao trận đòn thù vì nghiệp nhân quả. Để tui đọc chánh kinh cho bà nghe.
Nói xong, chú Năm đến bên tủ kinh sách lấy kinh Trung Bộ. Thím Năm ngồi ngay ngắn chăm chú.
_ Bà nghe nguyên văn này, “Rồi Tôn giả Angulimala buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, một cục đất do một người ném, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một cây gậy do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một hòn sỏi do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala. Rồi Tôn giả Angulimala bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy Tôn giả Angulimala từ xa đi đến, thấy vậy, liền nói với Tôn giả Angulimala: "Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn! Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ Ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm". Đó, bà thấy chưa, nhân quả rõ ràng như thế chứ làm gì có chuyện buông đao lập địa là thành Phật dễ dàng.
_ Làm người tốt đã khó, Thánh tăng còn khó trăm bề, huống hồ thành Phật, ông nhỉ?
_ Đúng vậy, các luận sư Bà-la-môn vẽ ra câu quái ác ấy với nhiều thâm ý: Thứ nhất, dụ dỗ mấy kẻ ngây thơ như thằng Tèo con bà nghĩ xằng làm bậy. Thứ hai, phá hoại Chánh Pháp và thứ ba, tầm thường hoá danh hiệu Phật.
Nãy giờ im lặng nghe ba má nói chuyện, đến đây Tèo đã ngộ được nhiều điều, vội lên tiếng:
_ Hoá ra má con mình có “Pháp sư” bên cạnh mà không chịu học hỏi. Nghe lời ba, từ nay con chỉ tin chánh Kinh nguyên thuỷ của Phật mà thôi. Không căn cứ theo đây, nghe càn tin bậy mang tà kiến khó thoát khỏi địa ngục.
Chú thím Năm nhìn Tèo, rồi quay sang nhìn nhau mỉm cười sung sướng.