Thần Khoa Học
PHÂN VÂN TRÍ THỨC
Hỏi: Trong bài kinh “Các Vị Ở Kesaputta”, Đức Phật Thích Ca đã dạy cho dân chúng Kalama: “Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân”.
Trong Phật giáo, sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, có trường hợp nào đáng nghi ngờ cần phải khởi lên những phân vân thích đáng không?
Sự “hoài nghi phân vân trí thức” khác với “nghi kiết sử” và “nghi triền cái” như thế nào?
! LS LONG XÀ TỬ trả lời: Đức Phật trong kinh Tiểu Thừa Nguyên thủy dạy cho dân chúng Kalama, chứ có dạy cho chúng ta đâu mà hoài nghi với không tin.
Ngài dạy các Kalama chớ có tin vì nghe truyền thuyết của Bà-la-môn;chớ có tin vì theo truyền thống của Bà-la-môn; chớ có tin vì nghe Bà-la-môn nói; chớ có tin vì được kinh điển Bà-la-môn truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn, Bà-la-môn là bậc đạo sư của mình.
Còn các kinh-luật-luận sau này do các tổ sư gốc Bà-la-môn truyền trao mình phải tin chớ. Các ngài đều quy y Phật giáo cả rồi.
Đức Bụt A Di Đà dạy chúng sanh ở cõi Ta Bà này một cách rất dễ dàng, nhẹ nhàng, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi, không thua gì các đại gia quảng cáo. Các tín đồ chỉ cần “tin” nơi ngài, “nguyện” vãng sanh cõi ngài, thực hành “A mi tò phò” tên ngài là lúc hấp hối đương nhiên được hội chúng Tịnh Đô kéo đến trợ niệm đi liền, khỏi cần phải hỏi, dễ như trở bàn tay.
À, nghe đâu Cưu Ma La Thập là người giới thiệu kinh A Di Đà cho Phật giáo. Chắc ngài cao siêu đáng tin lắm nên vua Diêu Tần mới ban cho mười cung nữ hầu hạ. Ngài vừa ngồi dịch kinh Đại Thừa vừa được chăm sóc như thế còn gì thích bằng. Cũng nghe nói sau này vua quan nhà Lương tin kinh A Di Đà đến độ giặc đến trước cửa thành vẫn tụng niệm tên “A mi tò phò”. Cuối cùng được giặc cho vãng sanh tất cả.
Chuyện không biết có thật không, chỉ nghe nói lại, nhưng cũng đủ biết có đức tin là có tất cả! Mọi người không thấy lắm kẻ chỉ cần có đức tin đã dám ôm bom đi giữa đám đông đấy ư? “Bùm” một phát được bay lên thiên đàng, thế mới tài!
Chính vì vậy, tất cả các luận văn chú giải của các ngài tổ sư gốc Bà-la-môn đương nhiên đều rất chú trọng phát triển đức tin nơi các Phật tử vào các kinh-luật-luận Đại Thừa.
Tất cả các kinh do các ngài kết tập đều có lời xác chứng “Như vầy tôi nghe” của chính ngài A Nan, chứ có phải do các ngài luận sư gốc Bà-la-môn “Như thị ngã văn” đâu mà phân vân? Tất cả các kinh Đại Thừa đều được Đức Phật dạy trước sự chứng kiến của vô số vô lượng vô biên các Bồ-tát, nhân thiên, phi nhân, A-tu-la, Càn-thát-bà, Dạ-xoa chứ đâu phải chỉ có một mình mấy tổ sư gốc Bà-la-môn đâu mà nghi ngờ. Ai không tin cứ mở kinh Đại giáo thừa ra mà đọc, mê liền!
Kinh văn Đại giáo thừa do các tổ sư gốc Bà-la-môn kết tập và xiển dương có đầy đủ các chứng nhân còn hơn cả trăm gánh hát, có đông đủ ban bệ còn hơn cả ngàn đoàn làm phim mà vẫn không tin, hẳn chỉ có đa nghi hơn Tào Tháo. Các ngài luận sư gốc Bà-la-môn nhắc đi nhắc lại cả trăm lần rằng ai tin kinh Đại Thừa là đại phước, đại trí, đại tuệ; ngược lại kẻ tiểu nhân nghi ngờ thánh kinh Đại Thừa là thiểu phước, đại si, đại ngốc, đáng sa địa ngục. Nghe vậy mà vẫn không dám tin, rõ là ngu hơn ngỗng đực!
Tam tạng Đại giáo thừa giúp chúng ta đặt lòng tin không phân vân vào sự vĩ đại cao siêu của các pháp môn đại giáo, vào các Bồ-tát đại bác ái đại nhơn đại đại. Bên cạnh đó các luận sư Đại Thừa gốc Bà-la-môn còn giúp chúng ta đạt lòng tin không lưỡng lự vào sự kém cỏi của các kinh luật nguyên thủy, vào sự ích kỷ dở tệ của mấy ông A-la-hán Thanh văn Tiểu Thừa. Mô Phật! Công ơn của các tổ sư gốc Bà-la-môn to lớn biết dường nào!
Hừ, tôi nói thật, các Phật tử chỉ cần đặt lòng tin vào một pháp môn Đại Thừa như niệm chú, hoặc niệm tên A Mi Tò Phò thôi cũng quá đủ rồi, còn nương đâu cho mệt, còn nghi ngờ làm gì cho rối rắm!
Tóm lại, mấy kẻ kém phước không có duyên may tin vào giáo pháp Đại Thừa, còn đứng xa các tổ sư gốc Bà-la-môn nhiều lắm! Mấy hạng tiểu nhân này dù có ôm mấy quả bơm đến cúng dường tôi thôi cũng chưa dám, còn nói gì đến tịnh tài ngân phiếu. Luận giảng như thế đủ rồi, bái luôn!
{
] TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG trả lời: Đức Thế Tôn dạy quá rõ ràng, xin nhắc lại “Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân”. Điều này có nghĩa những người con Phật có lý trí, biết suy xét cẩn trọng không được tin bừa, nhưng cũng không nên nghi bậy.
Các Phật tử chân chánh sau khi suy xét kỹ lưỡng, chỉ tin những điều đáng tin, những chỗ đáng tin; không nên tin những điều không đáng tin, những chỗ không đáng tin.
Các Phật tử chân chánh sau khi suy xét kỹ lưỡng, phải biết hoài nghi những điều đáng hoài nghi, những chỗ đáng hoài nghi; không nên hoài nghi những điều không đáng hoài nghi, những chỗ không đáng hoài nghi.
Tin vào điều gì, tin vào nơi nào? Không nên tin vào điều gì, không nên tin vào nơi nào? Không có gì cụ thể hơn lời Phật dạy. Xin nhắc lại:
“Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện – các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng!
Này các Kalama, khi nào tự mình biết như sau; "Các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các Kalama, hãy đạt đến và an trú!” (Sđd)
Theo lời dạy trên, mỗi người con Phật hãy suy xét kỹ lưỡng để tự mình biết rõ các pháp được nêu điển hình sau đây, pháp nào bất thiện, pháp nào thiện; pháp nào có tội, pháp nào không tội; pháp nào đáng chỉ trích, pháp nào không nên chỉ trích, pháp nào thực sự đưa đến bất hạnh đau khổ, pháp nào đưa đến hạnh phúc an lạc.
Trường hợp thứ nhất: Có một ông vua bác ái đến độ phát “đại nguyện” sẵn sàng cứu giúp những kẻ diệt chủng, loạn luân, cướp hiếp miễn sao họ không phạm năm đại tội vô gián và hủy báng pháp. Chúng chỉ cần niệm vài lần tên ông vua là được tiếp rước đến nơi an lạc, không còn sợ phải trả quả báo gì nữa. Còn những người hiền lương lại bị ông vua bỏ lờ không cứu, sống chết mặc bay.
Một ông vua cho dù có quyền năng đến đâu nhưng phát dại nguyện kiểu ấy là vị minh vương hay hôn quân vô đạo? Nhân quả công bằng đạo lý ở chỗ nào? Bất thiện hay thiện? Có tội hay không có tội? Đáng tin hay không đáng tin?
Ngược lại, trong kinh văn Nguyên Thủy nhắc đi nhắc lại: “Những chúng sanh nào làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này.” (Kinh Nikāya)
Lời dạy trên có đúng với đạo đức nhân bản nhân quả không? Lợi hay hại? Thiện hay bất thiện? Đại trí hay tiểu trí? Đáng chỉ trích hay không đáng chỉ trích? Đáng tin hay không đáng tin?
Xét trường hợp khác: cũng là “kinh văn” nhưng oai lực đến độ những kẻ giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, làm Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng dù phạm năm đại tội Vô gián cũng được cứu rỗi dễ dàng. “Đối với mười đại nguyện này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng đọc thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu, cũng mau chóng diệt được năm tội Vô gián” (???) (Trích Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền Bồ Tát, Kinh Hoa Nghiêm, bản dịch của HT Thích TQ. Nguồn Internet)
Cũng bác ái đại nhân kinh khủng đến độ những kẻ tàn ác chỉ cần nghe được danh hiệu thôi cũng phá tan nhân quả: “Đại nguyện thứ mười, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cọng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở” (Trích Dược Sư Kinh Sám, HT Thích TQ dịch giải. Nguồn Internet)
Những ai tin tưởng những điều trên hãy vào các nhà tù bảo các tội nhân chép bốn trăm câu “chỉnh cú Hoa Nghiêm” xem có ai thoát khỏi tội, phát loa một ngàn lần cho các tù nhân nghe danh hiệu Bụt Dược Sư xem có ai hết nghiệp chướng bởi tham sân si?
Nếu các tội nhân chỉ cần chép vài câu kinh liền thoát khỏi đại tội, như vậy luật nhân quả không thể hiện, pháp luật thế gian không nghiêm! Nếu kẻ ác chỉ cần nghe danh hiệu được thoát khỏi tội, vậy kẻ ác cứ tiếp tục làm càn, không còn sợ gì nữa! Ngược lại nếu các tội nhân không ai thoát được tội dễ dàng, không ai hết đau khổ thực sự; như vậy kinh Hoa Nghiêm là kinh nói dóc, tổ giới thiệu kinh Dược Sư là tổ nói dóc.
Lại nữa “kinh”… khủng kiểu ấy khiến tăng thiện hay tăng ác, “thánh tướng” kiểu ấy khiến giảm thiện hay giảm ác? Đáng lên án hay không đáng lên án? Đại trí hay tà trí? Đại nhân hay tà nhân? Đại giáo hay tà giáo? Đáng tin hay không đáng tin?
Trong khi đó với Kinh Pháp Cú Nguyên Thủy, trước sau đều khuyên dạy mỗi người phải tự ý thức lấy trách nhiệm do tự nghiệp mình làm: “Tự mình làm điều ác. Tự mình làm nhiễm ô. Tự mình ác không làm. Tự mình làm thanh tịnh. Tịnh, không tịnh tự mình. Không ai thanh tịnh ai” (PC 165). Và mọi người phải biết sợ hãi đúng pháp, nhờ vậy mới không làm điều ác, không nói lời ác, không suy nghĩ ác, có vậy mới thoát khỏi nghiệp ác tội lỗi.
Trong kinh Nguyên Thủy, Phật Thích Ca dạy rõ: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: "Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại. Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau. Chúng ta phải tránh xa các tội. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của các tội”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. Ðối với ai tránh xa các tội, này các Tỷ-kheo, đối với ai thấy rõ sự nguy hiểm của các tội, thời được chờ đợi rằng người ấy sẽ được giải thoát tất cả tội.” (Trích Tăng Chi tập 1, Chương 2, phẩm Hình Phạt, trang 96)
So sánh kỹ những đoạn kinh nêu trên, người Phật tử hãy tự mình nhận biết kinh nào chánh, kinh nào tà; pháp nào thiện, pháp nào bất thiện; đường nào có tội, đường nào không có tội; lối nào bị người có trí quở trách, lối nào không bị người có trí quở trách; lời nào làm tăng trưởng ác pháp, đưa đến khổ đau, lời nào tăng trưởng thiện pháp, đưa đến an lạc.
Trên đây mới chỉ nêu vài ví dụ tiêu biểu để đối chiếu giữa chánh kinh và tà kinh ngụy tạo, giữa chánh pháp và tà pháp bị ngộ nhận.
Khi Đức Thế Tôn trong Chánh Kinh Nikāya dạy chúng ta phải “tự mình biết rõ”, điều này có nghĩa mỗi người phải tự mình biết suy tư nhận thức thích đáng: không hoài nghi những chỗ không đáng nghi, nhưng cũng không vội tin những chỗ không đáng tin, nhất là không nên một chiều nghe sao tin vậy, không cân nhắc, không phán xét, không tư duy kỹ lưỡng.
Đồng thời phải biết rõ những hoài nghi nào có hại, thuộc ác pháp, phải từ bỏ; còn những hoài nghi nào không có hại, thuộc thiện pháp, cần nhận thức. Theo đây có hai loại hoài nghi có hại, thuộc ác pháp, cần phải đoạn diệt. Đó là “nghi kiết sử” và “nghi triền cái”.
Trong kinh văn gốc, “Nghi kiết sử” là nghi ngờ không thích đáng nơi chính bản thân mình, không biết tự tin nơi chính mình trước các thiện pháp. Ví dụ nghi mình không đủ sức diệt được tham - sân - si, không tin mình có thể làm được thiện, nói lời thiện, suy nghĩ thiện; không tin mình có thể thực hành theo chánh giới chánh hạnh. Những hoài nghi như vậy có hại, trói cột mình vào bất thiện, đáng từ bỏ.
Bên cạnh đó, còn có “Nghi triền cái” là nghi ngờ không thích đáng vào Chánh Phật, Chánh Pháp, Chánh Tăng, Chánh Giới, Chánh Kinh; nghĩ rằng các pháp này là sơ khai thấp kém, Tiểu Thừa, nông cạn. Sở dĩ có những nghi ngờ phi pháp này là do tin lầm vào các luận sư gián điệp đời sau, khiến tin luôn vào những Bụt giả, pháp giả, tăng giả, giới giả, tà kinh giả do họ giới thiệu để rồi quay lưng với chánh pháp. Những nghi ngờ tà vạy này khiến ngăn che trí tuệ, mang tà kiến, có hại, gây trở ngại cho giải thoát, vì vậy cũng phải đoạn trừ.
Ngược lại, biết hoài nghi chính đáng trước những điều không đáng tin tưởng để không mang tà kiến; biết phân vân chính đáng trước những kẻ đáng nghi ngờ để không rơi vào bẫy của họ, đây chính là sự hoài nghi chính đáng, là sự “phân vân trí thức”. Những hoài nghi này thuộc thiện pháp, có lợi, không bị người trí chỉ trích, đáng đạt đến và nhận biết.
Theo đây, mỗi Phật tử cần có sự “phân vân trí thức” nhằm đi tới khẳng định dứt khoát, rõ ràng, cụ thể:
Chớ có tin vì nghe truyền thuyết xuống tận Long Cung thỉnh kinh do các Bà-la-môn gián điệp tuyên truyền.
Chớ có tin vì theo truyền thống ăn chay lai tạp từ Bà-la-môn giáo quảng bá.
Chớ có tin vì nghe các tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp nói ‘Tiểu Thừa’ là sơ khai thấp kém.
Chớ có tin vì Kinh điển sau này do các tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp kết tập.
Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình sắc không, vô khổ tập diệt đạo, vô chứng vô đắc.
Chớ có tin vì đúng theo một lập trường Đại thừa cải biến vô chấp, vô phân biệt.
Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện cho rằng chỉ cần niệm tên A-di-đà, nghe hồng danh Dược sư, niệm thần chú yết đế, úm ma ni là được giải thoát.
Chớ có tin vì phù hợp với định kiến ăn chay mới từ bi, ăn mặn là sát sanh.
Chớ có tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền ảo như cõi Lưu ly, Tây phương lạc cực...
Chớ có tin vì vị tổ sư gốc Bà-la-môn gián điệp là bậc đạo sư, tổ sư, Bồ tát của mình.
Vì sao chớ có tin… chớ có tin? Vì tin lầm tín bậy là đồng nghĩa với tự sát, là đồng nghĩa với đọa xứ địa ngục, là đồng nghĩa với trầm luân nghiệp chướng. Chính vì thế mong những người con Phật hãy sáng suốt thận trọng, biết đặt niềm tin đúng nơi Chánh Tam Bảo để từ bỏ những điều phi pháp, phi luật từ những “Thánh Tăng Trọng Thủy” và những “Bồ-tát Triệu Đà” gián điệp!
Mong lắm thay! Mong lắm thay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
TẬP SAN PHẬT HỌC CAO CẤP
PHẬT GIÁO LAI BÀ LA MÔN
Theo Bà-la-môn giáo, một trong năm đức tánh để được gọi là Bà-la-môn: “Vị ấy là nhà phúng tụng, nhà trì chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về Thuận thế (tự nhiên học) và tướng của vị đại nhân (Kinh Sonadanda, số 4, Trường Bộ 1)
] Thừa tự Luật trích lục:
Sau này trong một vài tông phái của Phật giáo, do tin tưởng một chiều các luận sư Bà-la-môn nên cũng bị ảnh hưởng bởi những truyền thống, tánh chất, lễ nghi của Bà-la-môn giáo. Một số nhà sư tin tưởng một chiều vào các chú giải, luận giải của các luận sư, tổ sư gốc Bà-la-môn; thậm chí còn xem tạng Luận là pháp vi diệu, là chân nghĩa đế. Họ quên đi những lời dạy vô giá của bậc Đạo sư Thích Ca Mâu Ni, ngộ nhận tà kinh là chánh kinh, tà pháp là chánh pháp, tà luật là chánh luật.
Có tông phái xem phúng tụng, trì chú như một phương pháp để đi tới giải thoát. Có tông phái xem việc tụng đọc leo lẻo Pali, giải thích chánh pháp thuần túy theo kiểu chiết tự như căn bản của đạo. Nhiều người lợi dụng bói toán để lôi kéo tín đồ v.v… Nói chung lời cảnh báo của Đức Chánh Biến Tri về Diệu pháp chỉ tồn tại năm trăm năm là hoàn toàn chính xác.
(§) Trích tạng Luật - Bộ Phân Tích Giới Bổn, Phân Tích Giới Tỳ-Khưu II, VIII. Chương Pācittiya (Ưng Đối Trị)
… [284] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư dạy các cư sĩ đọc Pháp theo từng câu. Các cư sĩ sống không tôn kính, không nghe lời, cư xử không thích đáng đối với các Tỳ-khưu.
…
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại dạy các cư sĩ đọc Pháp theo từng câu khiến các cư sĩ sống không tôn kính, không nghe lời, cư xử không thích đáng đối với các Tỳ-khưu vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các Tỳ-khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị Tỳ-khưu nào dạy người chưa tu lên bậc trên đọc Pháp theo từng câu thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[285] Vị nào: là bất cứ vị nào có mối quan hệ như vầy, có giai cấp như vầy, có tên như vầy, có họ như vầy, có giới hạnh như vầy, có trú xứ như vầy, có hành xứ như vầy (yathāgocaro), là vị trưởng lão (trên mười năm Tỳ-khưu), mới tu (dưới năm năm), hoặc trung niên (trên năm năm); vị ấy được gọi là “vị nào.”
Tỳ-khưu: “Vị đi khất thực” là Tỳ-khưu. “Vị chấp nhận việc đi khất thực” là Tỳ-khưu. “Vị mặc y đã được cắt rời” là Tỳ-khưu. Là Tỳ-khưu do sự thừa nhận. Là Tỳ-khưu do tự mình xác nhận. Là Tỳ-khưu khi được (Đức Phật) nói rằng: “Này Tỳ-khưu, hãy đi đến (ehi bhikkhu).” “Vị đã tu lên bậc trên bằng Tam Quy” là Tỳ-khưu. “Vị hiền thiện” là Tỳ-khưu. “Vị có thực chất” là Tỳ-khưu. “Vị thánh hữu học” là Tỳ-khưu. “Vị thánh vô học” là Tỳ-khưu. “Vị đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì” là Tỳ-khưu. Ở đây, vị Tỳ-khưu đã được tu lên bậc trên với hội chúng hợp nhất, bằng hành sự có lời thông báo đến lần thứ tư, không sai sót, đáng được duy trì, vị này là “vị Tỳ-khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.
Người chưa tu lên bậc trên nghĩa là trừ ra Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni, các người còn lại là người chưa tu lên bậc trên.
[286] Theo từng câu nghĩa là một câu (của bài kệ), đọc tiếp theo, chỉ mỗi một âm, đọc hòa theo. Một câu (của bài kệ) nghĩa là bắt đầu đọc một lượt, chấm dứt một lượt. Đọc tiếp theo nghĩa là người đọc trước người đọc sau rồi chấm dứt một lượt. Chỉ mỗi một âm nghĩa là khi đang đọc chung “Rūpaṃ aniccaṃ,” vị (Tỳ-khưu) chỉ đọc chữ “Rū” rồi ngưng. Đọc hòa theo nghĩa là khi đang đọc “Rūpaṃ aniccaṃ,” (người chưa tu lên bậc trên) phát ra âm “Vedanā aniccā.” Điều gì là một câu (của bài kệ), điều gì là đọc tiếp theo, điều gì là chỉ mỗi một âm, điều gì là đọc hòa theo, tất cả điều ấy gọi là Pháp theo từng câu.
Pháp nghĩa là được giảng bởi đức Phật, được giảng bởi các vị Thinh Văn, được giảng bởi các vị ẩn sĩ, được giảng bởi chư Thiên có liên quan đến mục đích có liên quan đến Pháp bảo.
Dạy đọc Pháp: Vị dạy đọc theo câu thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo mỗi một câu. Vị dạy đọc theo từ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo mỗi một từ.
] Thừa tự Luật trích lục:
Theo trích đoạn chánh Luật nêu trên, và phần giải thích cụ thể việc dạy Pháp theo từng câu trong đoạn [286] có thể thấy rất nhiều nơi phạm vào tội Ưng đối trị này. Nhiều nơi gọi là “dẫn kinh”, vị trưởng lão bắt đầu một vài từ sau đó hội chúng ê a tụng hòa theo. Nguy hiểm hơn nữa là rất nhiều người “dẫn kinh” và tụng hòa theo bằng ngôn ngữ cổ, chẳng ai hiểu nghĩa, tất cả chỉ ê a như vẹt. Cho nên Đức Thế Tôn dạy chớ có tin vì truyền thống, vì đạo sư là thầy là vì vậy.
Riêng trong đoạn [285] có định nghĩa rõ ràng thế nào là một vị “Tỳ-kheo”. Theo đây hạnh khất thực và ý thức chấp nhận việc đi khất thực là những đạo hạnh được nêu lên đầu tiên, chứng tỏ đây là chánh mạng, chánh nghiệp quan trọng của một vị đệ tử Phật. Một tu sĩ Đạo Phật nhưng phủ nhận đạo hạnh này cũng có nghĩa chống lại Đức Thế Tôn, phủ nhận danh nghĩa “Tỳ-kheo”, tự xác nhận mình không hiểu rõ chánh mạng, chánh nghiệp cao quý này.
Tất nhiên đạo hạnh “khất thực” đã bị lợi dụng biến thành “khất tiền, khất bạc”. Và vì vậy một vị “Tỳ-kheo” đi khất thực nhưng nhận cả tiền bạc là sai pháp, sai luật, là “giả sư, giả ni”. Việc nhận diện và phân biệt một vị Tỳ-kheo thật chỉ khất thực không “khất tiền” và những “giả sư” lợi dụng khất thực để khất tiền không có gì khó khăn. Do vậy việc ngăn chặn tệ nạn này cũng không quá khó.
Mong rằng mọi người cùng ý thức để góp phần giúp đạo hạnh “khất thực” chân chánh được duy trì một cách tốt đẹp.
卐 Trích tạng Luật - Tiểu Phẩm tập 2, V. Chương Các Tiểu Sự
…[20] Vào lúc bấy giờ, các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Các sa-môn Thích tử này ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài giống y như chúng ta ca hát vậy.
Các Tỳ-khưu đã nghe được những người dân ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các Tỳ-khưu ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các Tỳ-khưu nhóm Lục Sư lại ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài?
Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…
- Này các Tỳ-khưu, nghe nói …(như trên)…, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
…(như trên)… Sau khi thuyết Pháp thoại, ngài đã bảo các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài: Bản thân vị ấy bị say đắm trong âm điệu, luôn cả những kẻ khác cũng bị say đắm trong âm điệu, hàng tại gia phàn nàn, trong khi ra sức thể hiện âm điệu thiền định bị phân tán, điều cuối cùng là dân chúng thực hành theo đường lối sai trái. Này các Tỳ-khưu, đây là năm điều bất lợi khi ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài. Này các Tỳ-khưu, không nên ngâm nga Pháp theo âm điệu ca hát với sự kéo dài; vị nào ngâm nga thì phạm tội dukkaṭa(tác ác)
…
[180] Vào lúc bấy giờ, hai Tỳ-khưu tên Meṭṭhakokuṭṭha là hai anh em xuất thân dòng dõi Bà-la-môn có lời nói nhã nhặn với âm điệu ngọt ngào. Họ đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các Tỳ-khưu ấy đã nói với Đức Thế Tôn điều này:
- Bạch Ngài, hiện nay các Tỳ-khưu có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy đang làm hỏng lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật (chandaso).
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: …(như trên)…
- Này những kẻ rồ dại kia, vì sao các ngươi lại nói như vầy: “Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của Đức Phật sang dạng có niêm luật”? Này những kẻ rồ dại kia, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…
Sau khi khiển trách, Ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Tỳ-khưu, không nên hoán chuyển lời dạy của chư Phật sang dạng có niêm luật; vị nào hoán chuyển thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép học tập lời dạy của Đức Phật bằng tiếng địa phương của chính bản thân (sakāya niruttiyā) [Theo bản dịch của TK Indacanda]
] Thừa tự Luật trích lục:
Vào thời bây giờ, các Tỳ-kheo không những tụng đọc kinh ê a, ngân nga như ca hát lên đồng, mà còn diễn văn nghệ, múa nhảy, đóng kịch… đủ trò đủ kiểu. Xét theo Luật, những hành vi phi pháp phi luật này bị những điều bất lợi cho mình, cho tăng đoàn, và cho cả xã hội. Chiếu theo Luật, tất cả bị phạm tội tác ác.
Bên cạnh đó, nhiều người không hiểu rõ luật, không hiểu rõ những bất lợi của việc hoán chuyển lời Phật sang dạng niêm luật. Những hành vi gây hại này cũng phạm tội tác ác. Lại nữa, như đã nói ở trên, do không sử dụng ngôn ngữ địa phương cho nên việc xương minh chánh pháp, tăng trưởng chúng hội không thể phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Người tu sĩ và cư sĩ suốt ngày chỉ biết leo lẻo những từ mà chính mình không hiểu, đó chính là hành nghiệp vô minh của những con vẹt.
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU HỌC PHẬT
TRUYỀN THỐNG LEO LẺO
Nhân duyên đến kỳ, Thần Hộ Tự biến mất tại cõi dương trần và hiện ra tại thánh địa Vườn Nai để bái kiến Thần Hộ Pháp. Cả hai chào hỏi nhau xong, Thần Hộ Pháp lên tiếng ngay:
_ Này Thần Hộ Tự, tại sao tôi thấy nhiều chùa dưới dương trần các tu sĩ chỉ biết nhắm mắt tụng đọc Pāli leo lẻo như vẹt, chẳng thèm hiểu ý nghĩa gì cả?
Thần Hộ Tự mặt mũi đỏ bừng, lí nhí:
_ Dạ thưa, họ gọi đó là truyền thống, xưa bày nay làm, trên bảo sao dưới lao theo làm vậy.
_ Đức Phật đã dạy “chớ có tin cho dù đó là truyền thống... chớ có tin cho dù đó là bậc Đạo sư” kia mà. Truyền thống và Đạo sư tốt đẹp, đúng Pháp đúng Luật phải tôn trọng gìn giữ. Còn truyền thống và Đạo sư sai trái phải từ bỏ chứ.
_ Bẩm, việc đọc tụng Pāli có gì sai trái, không đúng Pháp, không đúng Luật thưa ngài?
Thần Hộ Pháp lắc đầu:
_ Tụng học và nghiên cứu đúng chánh kinh Pāli không có gì sai trái, trái lại còn đáng hoan nghênh nữa. Thế nhưng tụng đọc như vẹt, không hiểu biết ý nghĩa mới nguy hiểm, mới đáng trách.
_ Nguy hiểm thế nào, đáng trách ra sao, thưa ngài?
_ Nguy hiểm ở chỗ khẩu nghiệp này giống như việc trì chú, hoặc nói lời phù phiếm si mê; tất phải tái sanh làm vẹt hoặc làm người tâm thần bẩm sinh. Tạo nghiệp si mê thì phải gặt quả khổ đau, chứ chạy đâu cho khỏi.
Thần Hộ Tự tỏ vẻ thông hiểu:
_ Thưa ngài, tôi nhận thấy những tông phái tụng Pāli như vẹt, cả người tụng và người nghe không hiểu nghĩa cho nên không phát triển mạnh. Trong khi đó, các tông phái tụng kinh theo ngôn ngữ địa phương, cả người tụng lẫn người nghe đều hiểu, nên phát triển mạnh mẽ hơn.
_ Chính vì thế Đức Phật mới khuyến khích dùng ngôn ngữ địa phương trong việc truyền bá và thực hành Chánh Pháp. Sau này một số luận sư gốc Bà-la-môn đem truyền thống “trì chú, chú giải kinh, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm” (*) của họ trở thành những tiêu chí trong Phật giáo, khiến các Tỳ-kheo lao vào đây mà quên đi ba pháp truyền thống Giới - Định - Tuệ của mình.
_ Ra thế, thưa ngài, tôi thấy nhiều nơi xem việc tụng đọc leo lẻo những bài kệ bằng tiếng Pāli là chuẩn mực bắt buộc cho mọi giới tử, sadi, Tăng Ni; đến độ chẳng ai thèm đếm xỉa gì đến giới hạnh. Rất nhiều người tụng Pāli giỏi như vẹt, nhưng giới hạnh và tu tập thì ôi thôi quá tệ, đã thế lại còn lên mặt vì mình nhớ giỏi hơn người khác. Rõ ràng lợi bất cập hại, thưa ngài.
Thần Hộ Pháp nhắc nhở:
_ Ông nên nhớ, việc nhắm mắt thuộc lòng chú thuật kể cả kệ Pāli không có gì là khó, càng nhỏ tuổi càng dễ bắt chước, bằng chứng có nhiều chú nhóc sáu bảy tuổi đã có thể tụng Pāli, tụng thần chú như máy hát.
_ Cũng vậy, những kẻ không có trình độ, ngây thơ, cả tin, càng dễ học thuộc lòng như vẹt. Bởi lẽ họ không cần cân nhắc suy tư gì cả, dễ nhắm mắt chấp nhận mọi thứ, cứ tin bừa học ẩu cho xong việc.
_ Đúng vậy, còn người trí phải hiểu nghĩa, phải đúng Pháp, đúng Luật họ mới chấp nhận và thực hành theo, vì thế những tông phái tụng vẹt khó phát triển hoặc chỉ có những kẻ cả tin, ngây thơ, thiếu trí tuệ mới tin theo là vì vậy.
Thần Hộ Tự rầu rĩ:
_ Nhất là việc đọc tụng như vẹt để đi tụng đám ma, đám giỗ xong rồi ngửa tay nhận tiền, nhận phong bì; chuyện này đối với người có giới hạnh lại càng khó hơn.
Thần Hộ Pháp tiếp lời:
_ Ngày xưa, các Thánh Tăng Thánh Ni im lặng ôm bình bát khất thực gieo duyên từng nhà, cùng lắm nói vài câu chúc phúc, xong rồi lặng lẽ trở về gốc cây, thất liêu của mình thọ thực.
_ Nếu các ngài khất thực từng người, từng nhà mà phải tụng kệ cầu siêu, cầu an dài dòng như mấy chùa hiện nay thì chỉ có nước chưa khất thực xong đã hết ngày.
Thần Hộ Pháp mạnh giọng:
_ Các Tăng Ni cứ lo giữ giới hạnh cho thanh tịnh thì tức khắc chư Thiên sẽ hộ trì, chẳng cần gì phải phá giới để tụng hót làm vừa lòng ai. Tôi nói phạm giới đó là vì việc một vị thâm niên “dẫn kinh” đọc trước vài tiếng rồi cả đám ê a ngân nga tụng theo như hiện nay, theo Luật Pātimokkha tất cả bị phạm tội Ưng Đối Trị và tội Tác Ác (§).
Thần Hộ Tự chép miệng thở dài:
_ Vâng tôi có nhớ điều này. Quả đúng như Đức Phật đã dạy chớ có tin cho dù đó là truyền thống, là thầy tổ. Mọi người không chịu nghiên cứu kỹ Kinh - Luật gốc, cứ nhắm mắt tin theo mấy ông thầy phá giới bẻ luật, trọng Luận giải, quý Chú giải, coi thường Kinh văn lời Phật, tất phải gặt quả si mê ngu dốt, hẳn phải đọa vào cõi dữ địa ngục mất thôi.
Thần Hộ Pháp vươn vai hô lớn:
_ Ông đã biết như vậy rồi, từ nay ông phải tích cực xương minh đúng Chánh Pháp, Chánh Luật để cứu cho mọi người, tạo phước báu giải thoát cho chính mình.
Thần Hộ Tự quỳ xuống đảnh lễ Thần Hộ Pháp, rồi vội vã cưỡi mây ngũ sắc trở lại dương trần hoằng dương Phật Pháp.
HỘ PHÁP DHAMMAPALA
BÁC "GIỚI KHÔNG PHÁT NGUYỆN" CỦA BỒ TÁT GIỚI
Nguyên văn giới khinh thứ 35 của Bồ-tát giới
“35.- GIỚI KHÔNG PHÁT NGUYỆN
Nếu Phật tử, nên phát những điều nguyện lớn: nguyện ở hiếu thuận với cha mẹ, Sư Tăng. Nguyện đặng gặp được thầy tốt - bạn thiện tri thức - thường dạy bảo tôi các kinh luật Ðại thừa - dạy cho tôi về «Thập Phát Thú» - «Thập Trưởng Dưỡng» - «Thập Kim Cương» - «Thập Ðịa» Cho tôi hiểu rõ để tu hành đúng với chánh pháp - nguyện giữ vững giới của Phật: thà chết chớ không chịu phai lòng. Nếu các Phật tử không phát những điều nguyện trên đây thời phạm “khinh cấu tội”.”
Phân tích phản biện
Mọi người có thể thấy rõ trong truyền thống Phật giáo cải biến có đầy dẫy các lời nguyện. Ví dụ mười nguyện đại của Bồ-tát Phổ Hiền, 12 nguyện đại của Dược Vương Lưu Ly Quang, 48 nguyện đại của A-di-đà…
Nhưng vì sao Bồ-tát giới bắt Đại Thừa giáo phải có lắm nguyện? Vì có ước nguyện là có mong cầu. Có mong cầu thì dễ có tham sân si đi kèm. Chưa được thì tham muốn. Đạt nguyện rồi nhưng không như ý dễ sanh phiền não, sân si. Chính vì thế các tổ sư gián điệp đã ra sức vẽ ra các ‘đại nguyện’ nhằm làm trái với lời dạy gốc của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni về pháp ‘Vô Nguyện Định’.
Phật Thích Ca dạy rõ: “Không Định, Vô Tướng Định, Vô Nguyện Định. Ðể thắng tri tham ái,… từ bỏ tham, từ bỏ sân... từ bỏ si... từ bỏ phẫn nộ... từ bỏ hận... từ bỏ giả dối... từ bỏ não hại... từ bỏ tật đố... từ bỏ xan lẫn... từ bỏ man trá... từ bỏ phản bội... từ bỏ ngoan cố... từ bỏ bồng bột nông nổi... từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn... từ bỏ kiêu... từ bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập” (Trích lược kinhTăng Chi tập 1, trang 547)
Đó là chưa nói đến chuyện có những đại nguyện của Đại Thừa mới nghe qua tưởng hay nhưng lại dễ rơi vào bẫy của ác ma. Ví dụ nguyện thứ mười của Phổ Hiền: ‘Nếu chúng sinh vì làm bao nghiệp dữ mà bị những quả khổ nặng nề thì tôi chịu thay hết cho họ’ (Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền Bồ-tát) Theo đây những kẻ diệt chủng, cướp hiếp, loạn luân, ác độc dù tạo bao nghiệp dữ chẳng còn sợ gì nữa, có Bồ-tát Phổ Hiền gánh hết cho rồi, yên tâm! Thế mới là nguyện đại!
Hoặc nguyện thứ năm của Dược Sư “nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạm hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ” (Kinh Dược Sư). Các tu sĩ Đại Thừa còn sợ gì nữa, phạm dâm cứ phạm dâm, phạm giới cứ phạm giới, cứ phá phạm thoải mái rồi nghe danh Dược Sư là thanh tịnh tức thì, chẳng còn lo đường dữ! Thế mới là nguyện đại!
Hoặc nguyện thứ 18 của A-di-đà: “Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ, muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến 10 niệm, nếu không được sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác; trừ kẻ tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp.” (48 nguyện đại A-di-đà). Các chúng sanh còn lo gì nữa, ác cứ ác, giết cứ giết, hiếp cứ hiếp, cứ thoải mái buôn ma tuý, bán trẻ em, sống chết mặc bay miễn ta có tiền sung sướng, về già chỉ cần nhẫn mười niệm A-di-đà là chắc chắn được du hý thiên đàng cực lạc. A-di-đà cao siêu như thế còn đòi hỏi gì nữa. Thế mới là nguyện đại!
Còn ngay trong Bồ-tát giới này, các Bụt tử cứ ước nguyện mong cầu gặp được ‘thầy tốt, bạn tri thức’, cho nên khi mới gặp một người nói hay, đóng kịch giỏi sẽ dễ tin ngay và nghĩ rằng ước nguyện của mình đã được Bụt đáp ứng. Họ nói gì nghe nấy, bảo gì làm nấy. Thế là ‘đắc’ bẫy ma tức thì.
Ác ma bảo Bụt dạy như thế này, pháp Bụt như thế kia, mọi người liền tin theo ‘thầy tốt’ không cần suy nghĩ. Gián điệp giới thiệu kinh đời mới này mới chính là kinh Bụt, tăng phá chấp như thế kia mới chính là siêu tăng; các tín đồ liền mê theo ‘bạn tri thức’, không mảy may cảnh giác. Thế là rơi vào tà đạo do dại nguyện của ác ma, chứ không phải đại nguyện của bậc trí.
Kẻ vẽ ra Bồ-tát giới bắt các Bồ-tát con phát nguyện đại là vì vậy.
Đã vậy ‘nguyện giữ vững giới của Phật: thà chết chớ không chịu phai lòng. Nếu các Phật tử không phát những điều nguyện trên đây thời phạm “khinh cấu tội”. Giữ vững giới của Phật không phải dễ, còn nếu không phát nguyện thì chỉ bị ‘tội khinh’, như vậy có ai ngu dại gì phát nguyện cho dễ chết! Cái này mới đúng là ‘nguyện’ mà như ‘vô nguyện’ vậy.
Tóm lại các nguyện đại của các Bụt giả, các Bồ-tát dỏm cùng với giới khinh thứ 35 này hoàn toàn phi pháp, trái ngược với những lời dạy đích thực của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni.
TẬP SAN LUẬT HỌC
ĐẠI THỪA DÙ NGUYỆN HAY KHÔNG NGUYỆN CŨNG KHÔNG GIẢI THOÁT!
Vì sao? Vì Đại Thừa giáo cũng giống như các Bà-la-môn thời Phật, không biết đúng PHƯƠNG PHÁP để đi tới giải thoát hoàn toàn.
Những ai muốn giải thoát đúng PHƯƠNG PHÁP, hãy đọc kỹ bài Chánh Kinh "PHÙ DI", số 126, Trung Bộ 3, sẽ thấy rõ.
Dưới đây là câu hỏi của Vương tử Jayasena và câu trả lời của Tôn giả Bhumija:
“-- Thưa Tôn giả Bhumija, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Nếu có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị". Ở đây, bậc Ðạo sư của Tôn giả Bhumija có nói gì, và có lập luận gì?
-- Thưa Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Và sự việc này xảy ra, Thế Tôn có giải thích như sau: "Nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng (ayoni so), thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị”
Sau đó Tôn giả Bhumija đến bạch với Đức Thế Tôn và được Ngài dạy thêm:
“-- Thật vậy, này Bhumija, được hỏi vậy, được trả lời vậy, Ông nói đúng lời Thế Tôn nói, Ông không xuyên tạc Thế Tôn với điều không đúng sự thực, Ông đã giải thích đúng pháp, tùy pháp, và một vị đồng Phạm hạnh nói đúng pháp, tùy pháp không có lý do gì để chỉ trích.
Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị.
Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.
…
Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị.
Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.”
Ý kiến: Chính Đức Thế Tôn trước sau như một đã định nghĩa rõ ràng Chánh Niệm là Bốn Niệm Xứ, Chánh Định là Tứ Thiền – Tứ Thánh Định. Thế nhưng các nhà Đại Thừa xem thường và không thực hành theo các Chánh Đạo này.
Vì thế dù họ có ước nguyện hay không có ước nguyện thì họ cũng không thể đạt được quả vị của Chánh đạo. Có chăng họ chỉ đạt được quả vị của tà đạo hoặc của đạo tưởng mà thôi.
Lại nữa, trong bài kinh Katthahàra (S.i,180), Đức Thế Tôn đã nói bài kệ cho Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja:
“(Thế Tôn):
Phàm có ước vọng gì,
Hay những ái lạc gì,
Những gì kẻ phàm phu,
Thường chấp trước các giới,
Các tham ái khởi lên,
Từ gốc rễ vô minh,
Tất cả Ta đoạn tận,
Trừ cả gốc lẫn rễ.
Nay Ta không ước nguyện,
Không tham ái, chấp trước,
Ðối với tất cả pháp,
Ta thấy đều thanh tịnh.
Ðạt được Chánh Ðẳng Giác,
Và mục đích tối thượng,
Ta tu tập Thiền định,
Vắng lặng, không sợ hãi.
TẠP CHÍ HỌC PHẬT
NGUYỆN HAY VÔ NGUYỆN?
Hai nhà sư ngồi thảo luận với nhau. Nhà sư thứ nhất hỏi:
_ Vì sao các vị “Phật và Bồ-tát phát triển” xuất hiện sau này, ai cũng thích phát đại nguyện thế nhỉ? Phổ Hiền Bồ-tát phát mười nguyện. Dược Vương Lưu Ly Quang xổ 12 đại nguyện. Ngài A-di-đà tuôn luôn một hơi 48 đại nguyện…
Nhà sư thứ hai nheo mắt, mỉm cười:
_ Vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy rõ: “Không định, vô tướng định, vô nguyện định. Ðể thắng tri tham ái, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ tham, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, để biến tri, biến diệt, đoạn tận, diệt tận, trừ diệt, ly tham, đoạn diệt, trừ khử, từ bỏ sân... từ bỏ si... từ bỏ phẫn nộ... từ bỏ hận... từ bỏ giả dối... từ bỏ não hại... từ bỏ tật đố... từ bỏ xan lẫn... từ bỏ man trá... từ bỏ phản bội... từ bỏ ngoan cố... từ bỏ bồng bột nông nổi... từ bỏ mạn, từ bỏ tăng thượng mạn... từ bỏ kiêu... từ bỏ phóng dật, ba pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải tu tập” (Tăng Chi tập 1, trang 547)
Sư thứ nhất ngạc nhiên, hỏi dồn:
_ Đức Phật Thích Ca dạy Định Vô nguyện để thắng tri các ác – bất thiện pháp, còn các “Bồ-tát” đời sau lại làm ngược lại, họ phát nguyện tràn lan. Không lẽ các ngài cũng muốn “pháp mới nới cũ”?
_ Nếu đích thực là Chánh Phật Pháp thì không có chuyện cũ hay mới.
Sư thứ nhất nhíu mày:
_ Vì sao?
_ Vì Chân lý đúng cho mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Còn tà lý, ngụy lý phải ngược lại, phải biến cải để dễ dụ chúng sanh, phải biến chất theo dục tham thời đại.
_ Nhưng Không Định là gì? Và vì sao định này thắng tri đoạn diệt được tham – sân – si?
_ Là nhất tâm trong trạng thái không tham, không sân, không si, không phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố… Chứng và trú được định này mới thắng tri các bất thiện pháp thực sự gây khổ đau, vì thế mới đoạn diệt được các bất thiện pháp. Giống như người được ra ngoài trời thoáng đãng thoải mái, không còn muốn quay lại sống trong ngục tù tối tăm, nhỏ hẹp, hôi hám.
_ Vô Tướng Định là gì? Và vì sao định này thắng tri đoạn diệt được tham – sân – si?
_ Là nhất tâm trong trạng thái không có tướng tham, tướng sân, tướng si, tướng phẫn nộ… nên cũng trừ diệt được các bất thiện pháp.
_ Vô Nguyện Định là gì? Vì sao Vô nguyện định lại thắng tri từ bỏ được các pháp ác bất thiện?
_ Là nhất tâm trong trạng thái không nguyện cầu gì cả. Vì có vô nguyện thì mới trú trong Không định và Vô tướng định được và nhờ vậy mới đoạn diệt được các bất thiện pháp. Nói rõ hơn Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định là các trạng thái dẫn đến Nhị Thiền. Lúc này tầm tứ còn không có, lấy đâu có các tướng và các tầm cầu mà không phải vô tướng và vô nguyện.
Sư thứ nhất hào hứng hỏi dồn:
_ Nhưng tại sao trong Trung Bộ 1, Đức Phật Thích Ca lại dạy bài kinh “Ước Nguyện”?
_ Ở trạng thái Sơ thiền vẫn có tầm tứ. Có tầm tứ thì có ước nguyện, có tầm cầu. Xin đọc kỹ lại bài kinh để thấy các ước nguyện đều chân chánh, hữu lý, thiết thực, cụ thể và hoàn toàn khả thi với điều kiện: “Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịch”.
_ Như vậy vấn đề là ước nguyện có chánh đáng không? Có hợp thời không? Có thỏa các yêu cầu hợp lý không?
Sư thứ hai tán thành:
_ Đúng vậy! Chính vì thế đến giai đoạn Nhị Thiền thì tất cả các niệm và cả các ước nguyện dù chánh đáng, hợp lý và thuộc Chánh Pháp, nhưng không còn đúng thời vì thế chúng cũng cần phải an trú vượt qua mới chứng nhập được Định Không tầm không tứ.
Sư thứ nhất tỏ vẻ vui mừng liễu tri:
_ À, đệ hiểu rồi, cho nên trong bài kinh Ví Dụ Con Rắn, số 22, Trung Bộ 2, Đức Thế Tôn đã dạy “Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỷ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”.
_ Theo ví dụ ấy: dòng sông tượng trưng cho các ác bất thiện pháp, các tà niệm, tà dục, tà tư duy... Còn chiếc bè là niệm thiện thuộc Chánh Pháp. Phải dùng chiếc bè Chánh Pháp mới vượt qua được con sông tà pháp, tà niệm, tà dục, tà mạng, tà tư duy…
_ Đây cũng là giai đoạn Sơ Thiền tức phải dùng các tầm tứ thiện để tiêu diệt đoạn trừ các tầm tứ ác bất thiện, nhờ vậy mới ly dục, ly bất thiện pháp chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.
_ Lành thay! Huynh đã nhớ những điều cần phải nhớ theo đúng Chánh Kinh. Và một khi đã qua được sông, các ác bất thiện pháp không còn; chính lúc này “chiếc bè” cần phải để lại bên bờ sông để đi tiếp. Nhờ vậy mới có thể bước vào giai đoạn Nhị Thiền thuộc Định Không tầm không tứ.
Sư thứ nhất hoan hỷ tiếp lời:
_ Lúc này “chiếc bè” dù rất quý giá với toàn tầm tứ thiện, và các niệm, các nguyện dù là Chánh Pháp cũng phải biết an trú bỏ qua, có vậy mới nhập và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
_ Rõ ràng là như thế, cho nên mới có chuyện “Chánh Pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”. “Bỏ đi” ở đây có nghĩa là để lại, an trú, không suy tầm cũng không tác ý Chánh Pháp; chứ không phải vất bỏ, dục bỏ, tẩy chay, xem thường Chánh Pháp Nguyên Thủy.
Sư thứ nhất lắc đầu ngao ngán:
_ Vậy mà nhiều người đã nghĩ như thế và nói rằng Đức Phật Đại Thừa dạy pháp cao siêu hơn, không nên chấp thủ vào kinh văn Tiểu Thừa, phải bỏ pháp thấp kém ấy đi, phải đạt được kinh “vô tự”, phải “vô chấp”, “vô Khổ Tập Diệt Đạo, vô chứng diệc vô đắc”, vô v.v.. và v.v…
_ Chỉ có điều họ không biết “Vô nguyện định”. Họ là những người chưa qua sông đã vội bỏ bè, là những kẻ không thiện xảo nên nắm rắn đằng đuôi. Họ chẳng bao giờ đến được bờ kia chứ đừng nói gì đến bến cuối cùng.
_ Hẳn là các vị Phật và Bồ-tát “hậu sinh” cũng thừa biết các điều này, nhưng các “ngài” vẫn phát tâm đại nguyện?
_ Các ngài phát đại nguyện hay nguyện đại thành dại nguyện. Huynh không tin, hãy nghiên cứu kỹ các nguyện đại ấy sẽ thấy các “ngài” đã nêu gương phát nguyện đại chống lại Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhiều nguyện còn gây kỳ thị tông phái, xương minh Đại Thừa, tiêu trừ Tiểu Thừa, chống lại luật nhân quả và Niết Bàn nữa đấy!
Sư thứ nhất trợn mắt:
_ Chẳng lẽ, đó là các “Phật giả” và “Bồ-tát dỏm” hay sao?
_ Còn một vị nữa.
_ Ai?
_ Gián điệp!
SƯ VÔ NGUYỆN
Subscribe to:
Posts (Atom)