Nguyên văn Bồ-tát giới khinh thứ 39
“39.- GIỚI KHÔNG TU PHƯỚC HUỆ 63
Nếu Phật tử thường phải khuyến hóa tất cả mọi người kiến tạo tăng phường nơi núi rừng vườn ruộng, xây dựng Phật tháp, chỗ an cư, tọa thiền trong mùa Ðông mùa Hạ, tất cả những cơ sở hành đạo đều nên kiến tạo. Người Phật tử phải giảng thuyết kinh luật ĐẠI THỪA cho tất cả chúng sanh. Lúc tật bệnh, nước có nạn có giặc, ngày cha, mẹ, anh, em, Hòa Thượng, A Xà Lê khuất tịch, và mỗi tuần thất, nhẫn đến bảy tuần thất, cũng nên giảng thuyết kinh luật ĐẠI THỪA. Tất cả những trai hội cầu nguyện, những lúc đi làm ăn, những khi có tai nạn lụt, bão, hỏa hoạn, ghe thuyền trôi giạt nơi sông to biển lớn, gặp quỷ La sát v.v... đều cùng đọc tụng kinh luật ĐẠI THỪA. Nhẫn đến tất cả tội báo, tam ác, bát nạn, thất nghịch gông cùm xiềng xích trói buộc tay chân, hoặc ngưòi nhiều dâm, nhiều sân, nhiều ngu si, nhiều tật bệnh, đều nên giảng kinh luật ĐẠI THỪAnầy. Nếu hàng tân học Phật tử không thật hành như trên đây, thời phạm “khinh cấu tội”.”
Chú thích 63 (tr.36): “Là Phật tử phải nhận chơn những tai nạn, họa phước và sự lợi ích. Họa hay phước là do nghiệp ác hay thiện chiêu cảm. Nghiệp từ nơi tâm mà phát khởi. Kinh luật ĐẠI THỪA có năng lực chuyển tâm ô trược thành thanh tịnh, chuyển tâm ác thành tâm thiện, chuyển tâm si mê thành tâm giác ngộ. Đọc tụng giảng thuyết kinh luật ĐẠI THỪA là một thiện nghiệp cao quý. Vì thế nên có thể làm cho người chết, vong linh được siêu sanh, ngưòi gặp tai nạn được qua khỏi. Có thể ngừa những sự không may và đem hạnh phúc đến. Phật tử bao giờ cũng phải có tín tâm sâu mạnh nơi năng lực của giáo pháp ĐẠI THỪA, bao giờ cũng lấy sự giải nguy, cứu khổ làm phận sự, nên bổn phận của Phật tử phải giảng kinh luật ĐẠI THỪA trong những trường hợp có tai biến xảy đến cho người hay cho mình.”
PHÂN TÍCH PHẢN BIỆN
Cần nhắc lại, trong phần Dẫn nhập của Bồ-tát giới có nói rõ 'Phật Thích Ca' ban Bồ-tát giới lúc vừa thành đạo, còn ngồi bên dòng sông Ni-liên- thuyền. Lúc này hội chúng chưa có một ai, ấy thế mà Bồ-tát giới khuyên tu theo Đại Thừa, là danh xưng hàng trăm năm sau khi Phật nhập diệt!!!
Rõ ràng chỉ bấy nhiêu cũng đủ biết kẻ vẽ ra Bồ-tát giới là người đời sau, muốn phá hoại Phật Giáo Nguyên Thủy Nhị Thừa. Chỉ có ngu si cùng tận mới không nhận thức được việc này. Chưa hết...
Bồ-tát giới chỉ nói ‘tọa thiền trong mùa Ðông mùa Hạ’, còn mùa Xuân, mùa Thu không tọa thiền ư? Luật của bậc Thánh không thể dễ duôi nói sao cũng được.
Nếu nói mùa Đông lạnh, mùa Hạ nóng cần có chỗ thích nghi tu thiền thì thua các vị Tỳ-kheo Thanh Văn Nhị Thừa rồi. Các vị này lấy gốc cây làm nhà, lấy hang đá làm cốc, chứ cần chi thiền viện. Vì sao? Vì ‘tất cả những cơ sở hành đạo’ dù to lớn đến đâu cũng vô thường biến hoại, chính vì thế nếu không dốc lòng lo tu tập, chỉ thi nhau kiến tạo chùa to viện lớn, khi vô thường đến phải biến thành những con dã tràng xe cát biển đông.
Lúc có giặc giã, bão lụt, hoả hoạn mà ngồi đó tụng niệm thì nhiệm màu đâu không thấy, chỉ thấy có chết oan. Trong thời kỳ Phật giáo bị tận diệt, hàng triệu người tụng kinh luật Đại Thừa sao vẫn chết oan? Có vị nào hồi sinh để kiện kẻ vẽ ra Bồ-tát giới? Còn trong tai nạn nếu vài người được may mắn sống sót, thế là tất cả tung hô Bồ-tát linh thiêng, Bụt Bà linh ứng. Những kẻ yếu bóng vía đều tin ngay răm rắp và quên rằng có biết bao những kẻ khác cũng cầu nguyện Bụt, Bồ-tát nhưng tất cả đều một đi không trở lại.
Ai yếu bóng vía cứ lấy kinh luật Đại Thừa mà tụng cho những kẻ diệt chủng ‘thất nghịch gông cùm xiềng xích trói buộc tay chân’ xem có tên nào nhờ thế được phóng thích. Nếu kinh luật Đại Thừa thực sự có oai linh cứu thoát mọi tội lỗi, như vậy còn gì là công bằng nhân quả? Còn gì là công lý nhân bản?
Còn chuyện ‘Kinh luật Đại thừa có năng lực chuyển tâm ô trược thành thanh tịnh, chuyển tâm ác thành tâm thiện, chuyển tâm si mê thành tâm giác ngộ’ có thật không, xin mời các bậc thiện trí thức đọc kỹ kinh luật Đại Thừa khắc rõ. Ở đây chỉ nêu vài ví dụ điển hình:
- Trích phẩm “Hạnh nguyện Phổ Hiền”, kinh đại thừa Hoa Nghiêm: “Đối với mười đại nguyện này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng đọc thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu, cũng mau chóng diệt được năm tội vô gián”. (Bản dịch của HT Thích Trí Quang).
Theo lời nguyện trên, những ai sao chép bài chỉnh cú bốn câu Hoa Nghiêm này sẽ không còn sợ năm tội vô gián: giết mẹ, giết cha, giết A La Hán, làm Phật chảy máu, phá hoà hợp Tăng gì nữa ư? Đấy là ‘năng lực chuyển tâm ô trược thành thanh tịnh’ của kinh luật Đại Thừa sao?
- Nguyện thứ 20 của Bụt A Di Đà: “Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, chuyên nhớ cõi nước tôi, và tu các công đức, chí tâm hồi hướng, muốn sanh về cõi nước tôi, nếu chẳng được toại nguyện, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.” (Nguồn Internet)
Chiếu theo nguyện trên, những người nổi tiếng dâm ác như “Lão Phật gia” Từ Hi Thái Hậu có thừa điều kiện được độ thoát về Tây phương Cực lạc. Còn biết bao các nạn nhân thiện lành nhưng không biết niệm A-di-đà ráng chịu. Trong 48 đại nguyện, ngài A Di Đà đều quên phát nguyện cứu họ. Đấy là ý nghĩa chuyển tâm ác thành tâm thiện của kinh luật Đại Thừa ư?
- Trích kinh Dược Sư, nguyện thứ mười của Bụt Dược Sư: “Nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cộng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.” (Nguồn Internet)
Chiếu theo nguyện trên, các vị muốn lợi tha cứ vào các trại tù, tụng hồng danh Bụt Dược Sư để cứu rỗi những kẻ ác giải thoát. Họ có ra ngoài tạo tội vào tù trở lại cũng không còn phải lo sợ khổ sở gì nữa. Đấy gọi là ‘chuyển tâm si mê thành tâm giác ngộ’ của kinh luật Đại Thừa.
Trên đây chỉ trích dẫn vài ví dụ thôi, không sao nói hết được. Tam tạng Đại Thừa giáo là cả một kho ‘cứu khổ, giải nguy’ cho biết bao tội nhân, ác hạnh, phá giới, nghịch hạnh?!
Tuy Đại Thừa giáo tà vạy như vậy, thế nhưng vẫn còn một số kẻ tin theo. Đó không phải do Đại Thừa có điều gì cao siêu tốt đẹp, mà do các tổ sư gián điệp tinh ma biết giả danh Phật Thích Ca, biết mạo danh pháp của Phật Thích Ca, biết giả danh là con Phật Thích Ca, có vậy họ mới lôi cuốn được những người mất cảnh giác.
Các tổ sư gián điệp dựa vào một số pháp căn bản của Phật giáo (ví dụ như năm giới, Từ Bi Hỷ Xả, bố thí, ly dục...), sau đó họ cải biên cấy ghép thêm vào các tà pháp một cách khéo léo, khiến những người ngây thơ tưởng lầm tất cả những pháp cải biến thêm vào đều là pháp của Phật Thích Ca. Từ đây các Bụt tử Đại Thừa mới bị dẫn dắt theo một mê lộ khác, trái ngược với tinh thần gốc, tự cao với pháp luật mới, quay lại khinh chê pháp luật chính gốc.
Đây chính là kế sách gián điệp và thủ đoạn ‘dùng vũ khí người để giết người’. Chỉ có như vậy các luận sư ngoại học thâm độc mới có thể phá hoại được Phật giáo.
TẬP SAN LUẬT HỌC