PHÂN TÍCH SO SÁNH
Chánh kinh "Gopaka Moggallāna" (số 108, Trung Bộ Pali)
&
Tà kinh "Cù-mặc Mục-kiền-liên" (số 145, Trung A Hàm)
Chánh kinh Pāli: “Như vầy tôi nghe. Một thời Tôn giả Ānanda trú ở Rājagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc, khi Thế Tôn thị tịch không bao lâu. Lúc bấy giờ, Vua Ajātasattu con bà Videhi nước Magadha (Ma-kiệt-đà), vì nghi ngờ Pajjota (Ðăng Quang Vương), nên cho xây kiên cố thành Rājagaha.
Tôn giả Ānanda buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Rājagaha để khất thực. Rồi Tôn giả Ānanda suy nghĩ: "Nay còn quá sớm để vào Rājagaha khất thực. Vậy ta hãy đi đến Bà-la-môn Gopaka Moggallāna và chỗ làm việc của vị này". Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Bà-la-môn Gopaka Moggallāna và chỗ làm việc của vị này.”
Tà kinh A Hàm: “Lúc bấy giờ đại thần Vũ Thế, nước Ma-kiệt-đà, đang chỉnh trị thành Vương xá để phòng ngừa dân Bạt-kỳ. Rồi đại thần Vũ Thế sai Cù mặc Mục-kiền-liên, một người làm ruộng, đi đến Trúc lâm, vườn Ca-lan-đà. Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc sáng sớm khoác y ôm bát vào thành Vương xá để khất thực, rồi Tôn giả A-nan nghĩ rằng: “Hãy gác việc khất thực trong thành Vương xá lại đã. Ta hãy đến chỗ Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng.”
Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên từ xa trông thấy Tôn giả A-nan đi đến, bèn rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo đang mặc, chắp tay hướng về Tôn giả A-nan, bạch rằng: “Kính chào A-nan, lâu nay không thấy đến. Xin mời ngồi trên chỗ này.””
Phân tích: Trong A Hàm từ “Phạm chí” được dùng để thay cho từ “Bà-la-môn” là giai cấp tế tự thống trị trong xã hội thời đó. Có vô lý không khi Phạm chí Bà-la-môn Cù-mặc Mục-kiền-liên lại là một nông dân, người làm ruộng như giai cấp Thủ-đà-la?
Một quan đại thần đang lo chống ngoại xâm lại sai một người nông dân tới Trúc Lâm làm gì? Chắc mấy ông Tăng tại đây đáng nghi ngờ, có thể làm nội gián cho giặc nên đại thần Vũ Thế phải cho một người Bà-la-môn giả dạng làm nông dân đến đó để dò xét họ chăng? Hay ông A-nan A Hàm là gián điệp của Vũ Thế, nắm được tin tức gì đó của dân Bạt-kỳ nên đi báo cho Cù mặc Mục-kiền-liên?
Kinh A Hàm bịa thêm những chi tiết trên khiến người không tin Phật có thể nghĩ như vậy. Nếu các dịch giả A Hàm cải biên xong đem giới thiệu bài kinh này cho mấy ông vua quan không ưa Phật giáo, hẳn các Tăng Ni đệ tử Phật phải khốn khổ thêm rồi.
Vẫn chưa hết, hãy bình tâm so sánh tiếp.
***
Chánh kinh Pāli: “Tôn giả Ānanda ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Còn Bà-la-môn Gopaka Moggallāna chọn một chỗ ngồi thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Gopaka Moggallāna thưa với Tôn giả Ānanda: -- Có thể chăng, một Tỷ-kheo thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Tôn giả Gotama, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã thành tựu?
-- Không thể có một Tỷ-kheo, này Bà-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn, Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói; là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo. Và nay các đệ tử là những vị sống hành đạo và tùy hành, và sẽ thành tựu (những pháp ấy) về sau.”
Tà kinh A Hàm: “Tôn giả A-nan liền ngồi trên chỗ ngồi đó. Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi chào hỏi Tôn giả A-nan, rồi ngồi xuống một bên mà bạch rằng: “Bạch A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong nghe cho chăng?” Tôn giả A-nan trả lời rằng: “Mục-kiền-liên, ông cứ hỏi đi. Tôi nghe xong sẽ suy nghĩ.” Bèn hỏi rằng: “Bạch A-nan, có Tỳ-kheo nào sánh ngang với Sa-môn Cù-đàm chăng?”
Trong khi Tôn giả A-nan và Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên đang thảo luận vấn đề này thì đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đang đi ủy lạo những người làm ruộng, đến chỗ của Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên, người làm ruộng.”
Phân tích: - Theo chánh kinh Pāli, trước sau như một đúng như điều ngài Ānanda đã khẳng định là không có bất kỳ một Tỳ-kheo nào có thể đạt được đầy đủ các “Phật tánh” như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với trọn vẹn các danh hiệu Như Lai, Ứng Cúng, A La Hán Chánh Đẳng Giác, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Điều này có nghĩa, trong kiếp trái đất hiện tại, đối với người con Phật chân chánh thì Đạo Phật chân chánh chỉ có một và duy nhất một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi, không có vị Phật thứ hai. Lẽ thường cái gì duy nhất mới quý, hy hữu mới quý. Còn trong vòng sanh tử luân hồi vô thuỷ vô chung không thể tính đếm, trước sau chỉ có sáu Đức Phật quá khứ và Đức Phật Thích Ca của kiếp hiện tại. Tổng cộng chỉ có Bảy Vị Phật mà thôi, không hơn không kém.
Thế nhưng điều tối quan trọng này đã bị lược bỏ trong các tạng A Hàmvà các kinh Đại Thừa, điển hình như kinh Cù-mặc này. Thậm chí trong các kinh Đại thừa sau này còn có hàng ngàn hàng vạn Phật (kinh Vạn Phật), cho đến vô lượng “Phật mười phương” (kinh 42 Chương, kinh Kim Cang...) cùng biết bao các pháp môn cải biến mới.
Vì sao như vậy? Vì các gián điệp giả sư thừa biết họ phải xóa bỏ một “Đạo Phật” thống nhất với một giáo chủ duy nhất và một giáo lý duy nhất. Họ phải tạo ra một loạt các “kinh-luật-luận” cải biến với biết bao những Bụt giả, Bồ-tát dỏm, Tổ sư rởm cùng với biết bao pháp môn khác nhau, các tông phái khác nhau, có vậy Phật giáo mới bị phân hóa, chia lìa, ly gián.
Một khi mỗi tông phái có ông Phật riêng, thầy tổ riêng, kinh văn riêng, hội chúng riêng, tự viện riêng và ngấm ngầm hơn thua lẫn nhau khiến Phật giáo sẽ tự làm suy yếu lẫn nhau và tan nát nhiều hơn, có chăng hợp nhất chăng chỉ ở bề ngoài mà thôi. Đây là lý do vì sao các tổ sư Đại Thừa Bà-la-môn cổ xúy Phật giáo có vạn Phật, lắm tông, nhiều phái là vì vậy.
Ở đây cần lưu ý thêm, trong kinh Đại Bát Niết Bàn, thuộc Trường bộ Pāli, chính ông đại thần Bà-la-môn Vassakara (Vũ Thế) này đã bộc lộ mưu kế “ngoại giao và ly gián” để tiêu diệt dân Vajji hùng mạnh.
Ngay sau đó, Đức Thế Tôn đã triệu tập toàn bộ các Tỳ-kheo tại Vương Xá để dạy về các pháp không bị suy giảm trong đó nhấn mạnh đến sự đoàn kết trong chúng Tăng. Hẳn nhiên Đức Thế Tôn thừa biết Bà-la-môn Vassakara và con cháu ông ta cũng sẽ dùng mưu kế này để phá hoại Phật giáo.
Cũng không phải vô cớ khi mới một trăm năm sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, chính các Tỳ-kheo tại Vajji chứ không ai khác đã tự chế ra 10 điều luật mới khiến dẫn đến nguy cơ phá hòa hợp Tăng đầu tiên.
Cũng không có gì khó hiểu vì sao thủ đoạn “ngoại giao và ly gián” của Bà-la-môn Vassakara trong kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ Pāli) đã bị các dịch giả A Hàm “quên” không ghi lại trong bài kinh Du Hành (Trường A Hàm) tương đương.
Và cũng chẳng có gì khó hiểu vì sao các luận sư Bà-la-môn “vĩ đại” sau này lại dễ dàng quy y theo Phật giáo và ra sức xiển dương cho những kinh-luật-luận mới “đa phương, đa diện” với tám vạn bốn ngàn pháp phái khác nhau.
Khi đoàn sư tử hợp nhất bị tan tác, từng nhóm sư tử đơn lẻ sẽ dễ bị biến thái hoại diệt hơn; hoặc chính chúng sẽ tàn hại lẫn nhau, triệt hạ lẫn nhau! Cuối cùng chẳng còn con nào thuần chủng mạnh mẽ. Còn chăng cũng chỉ là những cái xác sư tử cùng với bầy “sư tử trùng thịt sư tử nhục” mà thôi! Rõ ràng lời tiên tri của Đức Thế Tôn trong kinh Gotami về Diệu Pháp chỉ tồn tại có năm trăm năm là hoàn toàn thực tế.
Trở lại kinh A Hàm, bình thường chắc ông A Nan ta đây, không muốn nghe ai, cho nên ông Bà-la-môn Cù-mặc mới phải khẩn khoản “mong nghe cho chăng?”.
Đã thế trong các kinh A Hàm, các Thánh Tăng A La Hán cứ phải “nghe xong sẽ suy nghĩ” mới lạ (?) Chẳng lẽ mấy ông Thanh Văn Tiểu Thừa thường nghe xong nhưng không suy nghĩ hay sao lại như vậy? Tôn giả A–nan trong A Hàm sao kém cỏi thế? Thảo nào ông Bà-la-môn Cù-mặc chỉ “ngồi xuống một bên” chứ không “chọn một chỗ ngồi thấp khác” như Bà-la-môn Gopaka đã kính trọng ngài A-nan Pāli.
- Đại thần Vũ Thế đang lo chống dân Bạt-kỳ lại sai ông Bà-la-môn Cù-mặc giả dạng nông dân đến Trúc Lâm, rồi lại đi ủy lạo những người làm ruộng để gặp gỡ ông ta. Chắc hẳn đại thần Vũ Thế muốn nắm tin tức gì đây nơi ông Bà-la-môn-nông-dân trinh sát của mình. Ai cấm được người đọc A Hàm suy nghĩ như vậy? Bà-la-môn Vassakara và Đại thần Vũ Thế đầu thâm hiểm như nhau vậy. So sánh kĩ các đoạn kinh tương đương sau đây để thấy rõ hơn.
***
Chánh kinh Pāli: (Lời Bà-la-môn Vassakara) “--…Thưa Tôn giả Ānanda, một thời Tôn giả Gotama ở tại Vesālī, Ðại Lâm, ở Kutagarasala (Trùng Các giảng đường). Rồi, thưa Tôn giả Ānanda, tôi đi đến Mahavana (Ðại Lâm), Kutagarasala, đến Tôn giả Gotama. Ở đấy, Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện nói về Thiền định luận. Tôn giả Gotama thật là vị tu Thiền và tánh thiên về Thiền định. Và Tôn giả Gotama tán thán tất cả Thiền định.
-- Này Bà-la-môn, Thế Tôn ấy không tán thán tất cả Thiền định, không không tán thán tất cả Thiền định. Và này Bà-la-môn, loại Thiền định nào Thế Tôn ấy không tán thán?…”
Tà kinh A Hàm: “Đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà nghe xong bèn nói: “Này đại tướng Bà-nan, trước đây, khi Sa-môn Cù-đàm du hành lạc viên Kim-bệ-la, này đại tướng Bà-nan, lúc bấy giờ tôi nhiều lần đến thăm Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Sa-môn Cù-đàm hành thiền tứ, ưa thích thiền tứ, tán thán tất cả thiền tứ.”
Tôn giả A-nan nghe xong, nói rằng: “Vũ Thế, đừng nói rằng: Sa-môn Cù-đàm tán thán tất cả thiền tứ. Vì sao vậy? Thế Tôn có khi tán thán thiền tứ, nhưng có khi không tán thán.”
Phân tích: Theo Chánh kinh Pāli, chính Bà-la-môn Vassakara cũng biết áp dụng kiểu “như vầy tôi nghe” và tung hô vạn tuế Đức Thế Tôn để rồi xuyên tạc rằng Ngài tán thán tất cả thiền định. Nhưng tôn giả A-nan đã không bị mắc lừa và còn vạch trần sự ngụy trá của ông ta bằng sự khẳng định và giải thích rất rõ ràng dứt khoát: Đức Thế Tôn không tán thán tất cả các loại thiền định nhưng Ngài cũng không chê bai tất cả.
Nói cách khác, không phải Đức Thế Tôn tán thán tất cả thiền định mà có thứ thiền định Ngài không tán thán (tà định) nhưng có thứ thiền định Ngài tán thán (Chánh Định).
Trong bài kinh Pāli, tôn giả A-nan cũng đã giải thích cụ thể hơn: Đức Thế Tôn không tán thán các thứ thiền định nào ôm giữ tham, sân, hôn trầm thùy miên, trạo hối, nghi; và Ngài chỉ tán thán Tứ Thiền tức Chánh Định trên cơ sở đoạn diệt năm triền cái này.
- Ngược lại trong A Hàm, lời ngụy trá của Bà-la-môn Vassakara lại được “gắn” vào miệng Đại thần Vũ Thế, và vị này đang nói với đại tướng Bà-nàn thì ông A-nan lại bất lịch sự, nhảy ngang vào. Quả là các dịch giả A Hàm đã biết khéo léo che dấu ác ý của tổ phụ Bà-la-môn Vassakara và của chính họ.
Đã thế lời phản đối của ông A-nan A Hàm rất chung chung và mâu thuẫn đối với “thiền tứ” (hay Tứ Thiền của Đạo Phật?): “Thế Tôn có khi tán thán thiền tứ, nhưng có khi không tán thán”. Những ai còn tin những kiểu nói nước đôi mơ hồ này thuộc chánh Pháp thì thật quá ngây thơ!
***
Chánh kinh Pāli: “Rồi Bà-la-môn Gopaka Moggalana, khi Bà-la-môn Vassakara, đại thần nước Magadha đi không bao lâu, thưa với Tôn giả Ānanda:
-- Nếu chúng tôi không hỏi Tôn giả Ānanda, thời Tôn giả Ānanda đã không trả lời.
-- Này Bà-la-môn, có phải chúng tôi đã nói với Ông: "Không có một Tỷ-kheo nào, này Bà-la-môn, thành tựu mười pháp ấy một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ, những pháp mà Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn, vị Thế Tôn ấy là bậc làm cho khởi dậy con đường trước đây chưa từng được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói; là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo. Và nay các đệ tử Ngài là những vị sống hành đạo và tùy hành đạo, và sẽ thành tựu những pháp ấy về sau".
Tà kinh A Hàm: “Lúc bấy giờ Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên sau khi đại thần Vũ Thế nước Ma-kiệt-đà đi không bao lâu, bạch rằng: “Bạch A-nan, phải chăng những điều tôi hỏi đã không được trả lời?”
Tôn giả A-nan đáp: “Mục-kiền-liên, quả thật tôi đã không trả lời.”
Phân tích: Trong khi trong chánh kinh Pali, ngài Ananda thật xác đáng vì Bà-la-môn Gopaka Moggalana có hỏi thì ngài mới trả lời.
Hơn thế nữa khi ngài Ananda khẳng định lại một lần nữa về Đức Phật duy nhất và các đệ tử của Ngài chỉ là những người thực hành theo giáo pháp của Ngài để ngầm nhắc Bà-la-môn Gopaka Moggalana rằng điều Tôn giả Ananda vừa nói có thể sẽ bị ai đó xuyên tạc như họ đã xuyên tạc Thế Tôn vậy. Kẻ đó là ai, mọi người tự hiểu.
Còn trong A Hàm, ngài A-nan bị biến thành kẻ “ngây ngô” khi không biết trả lời câu hỏi của Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên. Người đọc A Hàm cần phải thêm vào cho đầy đủ câu trả lời của Tôn giả A-nan thế này: “Mục-kiền-liên, quả thật tôi đã không trả lời. Vì sao? Vì trong nguyên bản Pāli không có câu hỏi lãng xẹt của ông và cũng chẳng có câu trả lời ngớ ngẩn của tôi”
***
Chánh kinh Pāli: (Không có đoạn tương đương)
Tà kinh A Hàm: “… Phạm chí Cù-mặc Mục-kiền-liên bèn hỏi rằng: “A-nan, giải thoát và tuệ giải thoát của Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của A-la-hán, ba giải thoát này có sự sai biệt nào và có sự thắng liệt nào chăng?”
Tôn giả A-nan đáp: “Này Mục-kiền-liên, giải thoát và tuệ giải thoát của Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác và giải thoát của A-la-hán, ba giải thoát này không có sai biệt, cũng không có sự thắng liệt.”
Phân tích: Đoạn bịa thêm này của A Hàm nhằm mục đích đánh đồng Như Lai với đệ tử của Như Lai và đồng thời tố cáo sự mâu thuẫn của ông A-nan.
Trước đó chính ông đã nói với đại thần Vũ Thế: “Này Vũ Thế, hoàn toàn không một Tỳ-kheo nào sánh ngang với Thế Tôn được”, đến đây ông lại tréo ngoe: “ba giải thoát này không có sai biệt”, điều này có nghĩa Phật và các Thánh Tăng A La Hán cũng như nhau, không có sai biệt.
Đã thế ông A-nan A Hàm còn phủ nhận những giá trị giải thoát của Đạo Phật bằng kiểu nói lập lờ nước đôi nham hiểm “cũng không có sự thắng liệt” (?)
Đúng là lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, bút gian tà lắm nẻo lẹo lươn!
PHẬT HỌC CAO CẤP