Nguyên văn Bồ-tát giới khinh thứ 43
“43.- GIỚI CỐ MỐNG TÂM PHẠM GIỚI 66
Nếu Phật tử, do đức tin mà xuất gia, thọ chánh giới của Phật, lại cố mống tâmhủy phạm giới pháp, thời không đươc thọ lãnh đồ cúng dường của tất cả đàn việt, cũng không được đi trên đất của tất cả quốc dân. Năm nghìn Đại quỷ luôn đứng án trước mặt người đó mà gọi là “Gã bợm giặc”. Nếu khi đi vào trong phòng nhà thành ấp, các quỷ thường theo chà quét dấu chơn của người ấy. Tất cả người đời đều mắng người ấy là kẻ giặc trong Phật pháp. Hết thảy chúng sanh đều không muốn nhìn ngó người ấy. Người phạm giới, khác nào loài súc sanh, cây cỏ. Nếu cố phá hủy giới pháp của Phật, Phật tử này phạm “khinh cấu tội”.”
Chú thích 66 (trang 37 sách Bồ-tát giới): “Người thọ giới mà có tâm hộ trì thời từ người cho đến thiên thần đều kính trọng, còn mống tâm phá giới thời tất cả đều khinh khi. Đây là từ lúc mống tâm phá giới mà kết tội khinh, vì người đã thọ giới phải có bổn phận hộ trì, mống tâm muốn phá là thiếu bổn phận nên thành lỗi. Nếu đã phá giới thời tùy giới mà luận tội.”
PHÂN TÍCH PHẢN BIỆN
Bồ-tát giới là tà giới cho nên đã phô bày hết từ các phi lý này đến các phi lý khác.
Vì sao kẻ mống tâm phạm giới lại ‘không được đi trên đất của tất cả quốc dân’?Điều này có quá vô lý và không có thực tế không? Trên đời có biết bao ‘giả sư, giả ni’, phá giới phá hạnh; Bồ-tát giới có uy lực cấm họ ‘không đươc thọ lãnh đồ cúng dường của tất cả đàn việt’ không?
‘Đại quỷ’ là vô hình, không phải ‘năm nghìn’ mà là ‘năm nghìn tỷ tỷ Đại quỷ có đứng trước mặt ‘Gã bợm giặc’ cũng chẳng ai chứng minh được. Một ‘Gã bợm giặc’ chánh tông có thể thách thức bất kỳ một Hòa Thượng, A-xà-lê nào chỉ ra được một đại quỷ đứng trước mặt họ, trình ra cho mọi người thấy có quỷ ma nào theo chà quét dấu chơn của họ. Không những thế họ còn nói phía sau các Hoà thượng, A-xà-lê, Bồ-tát Đại Thừa đều có năm tỷ Đại quỷ chờ kéo các vị xuống địa ngục vì tà kiến. Những ai còn bênh Bồ-tát giới nói sao? Chẳng lẽ ngồi đó cãi nhau?
Trong Pháp Cú Nguyên Thuỷ, Đức Phật có dạy "Xưa, vị lai, và nay. Ðâu có sự kiện này, Người hoàn toàn bị chê, Người trọn vẹn được khen." (kệ 228). Trong khi đó Bồ-tát giới lại phán bừa: ‘Tất cả người đời đều mắng người ấy là kẻ giặc trong Phật pháp. Hết thảy chúng sanh đều không muốn nhìn ngó người ấy’. Chỉ cần xét hai lời trên cũng thấy rõ đâu là chánh, đâu là tà; đâu là thực, đâu là ngụy.
Vả lại giới có giới trọng, giới khinh, giới nặng, giới nhẹ; kiểu mạt sát tất cả ‘người phạm giới, khác nào loài súc sanh, cây cỏ’ xem ra thô lỗ cục cằn quá, hoàn toàn không thích đáng với hội chúng trí tuệ. Một người khôn ngoan chỉ cần so sánh bấy nhiêu cũng đủ biết đâu là điều thực tế xác đáng, đâu là sự hồ đồ, vô lý, ngụy tạo.
Chính vì Bồ-tát giới hồ đồ, vô lý, ngụy tạo như vậy; cho nên mới phải có thêm chú thích 66 để vá víu. Chỉ có điều càng vá víu càng rách, vì mọi thứ đều là vải nát. Chú thích 66 theo đuôi các tổ sư gián điệp phán bừa ‘tất cả đều khinh khi’ người phá giới là minh chứng cho sự hồ đồ, vô lý giống như phần luật định. Vì sao? Vì tuỳ theo giới các chúng sanh đi với nhau. Kẻ uống rượu thì ca ngợi kẻ uống rượu giỏi hơn, kể trộm cắp nể phục kẻ trộm cắp siêu hơn... chứ không phải tất cả đều khinh khi kẻ phá giới.
Lại nữa, ‘mống tâm’ có nghĩa là mới chỉ khởi tâm, khởi ý thôi. Khởi tâm nhưng chưa thực hiện vẫn chưa thành tội được, ngay cho dù đó là mống tâm sát sanh, trộm cướp. Vả lại, ai có Tha tâm thông để biết kẻ khác ‘lúc mống tâm phá giới mà kết tội khinh’ đây? Làm sao chứng minh có mống tâm hay không mống tâm? Trong hội chúng có kẻ xấu thích vu cáo kẻ khác mống tâm thì sao?
Cả hai Bồ-tát giới và chú thích đều tà vạy mới bộc lộ nhiều phi lý trái ngang như vậy.
TẬP SAN LUẬT HỌC