Như vầy tôi đã được nghe.
Một thời bấy giờ tại lớp học về Tỷ giáo (so sánh Tôn giáo), trong buổi thảo luận, một sinh viên hỏi vị giáo sư:
_ Thưa giáo sư, trong kinh gốc Nikaya có nhắc đến các vị Phật quá khứ không?
_ Theo chánh Kinh Nikaya và cả luật Patimokkha gốc, chính xác và đáng tin cậy chỉ có sáu vị Phật trong tiền kiếp. Đó là các đức Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm và Phật Ca-diếp. Trong đó Thế Tôn Tỳ-bà-thi ra đời chín mươi mốt kiếp về trước, Thế Tôn Thi Khí đã cách nay hơn ba mươi mốt kiếp. Khoảng thời gian ba mươi mốt kiếp còn lại là của các vị Phật kế tiếp. Riêng kiếp trái đất này chỉ có duy nhất mộtĐức Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi! Khó mà xác định được chiều dài của một kiếp cho nên có thể hiểu từ vô thuỷ vô chung trước sau chỉ có bảy Đức Thế Tôn. Bốn câu cuối cùng trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ 1 đã khắc họa sự việc rất hy hữu ấy: “Khó thay sự chiêm ngưỡng. Tôn nhan bậc Như Lai. Trải nhiều nhiều trăm kiếp, May lắm được một lần”.
Một sinh viên khác cất giọng mỉa mai:
_ Vậy mà chỉ mới vài trăm năm sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, Đại Thừa giáo đã có ngay hàng chục ngàn ông “Phật” khác thay thế. Dễ dãi đến độ dựa theo “kinh Vạn Phật”, Ngô Thừa Ân - tác giả Tây Du Ký, đã tấn phong cho cả con khỉ Tề Thiên của mình cũng được làm Đấu Chiến Thắng Phật.
Người kế bên phụ họa:
_ Mô Phật, nếu ông ta gắn thêm vào đầu cuốn tiểu thuyết ấy bốn chữ “Như vầy tôi nghe”, hẳn có khối người tin rằng đó là chuyện có thật và Đại Thừa lại có thêm một cuốn “kinh” cao siêu nữa. Tiếc thật!
Học viên khác tiếp lời:
_ Tiếc cái nỗi gì. Trong kinh Kim Cang còn có tới “tám trăm bốn ngàn vạn ức trăm triệu chư Phật như lai” nữa đấy. Nhiều như kiến còn quý báu gì nữa?
Giọng khác châm biếm:
_ Đã thế, trong chương thứ 11, “kinh” Bốn Mươi Hai Chương còn “dạy” rành rành: “Cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng ăn”.
Có người lớn tiếng:
_ Một “vị” không niệm, không trụ, không tu, không chứng là ai? Cấm sao được người khác nghĩ rằng đó là thuộc hạ của Tôn Hành Giả hay họ hàng của Trư Bát Giới. Suốt ngày các “vị” ấy chỉ biết leo cây, nhai cám làm sao có niệm, có trụ, có tu, có chứng? Ranh mãnh, quỷ quái đến thế là cùng!
Một giọng nói nghiêm túc:
_ Tất cả các kinh văn Đại Thừa khác cũng đều đã bị các luận sư Bà-la-môn vẽ ra thấu cáy ma mãnh giống như thế. Nhưng khốn nỗi những người tin theo vẫn không biết mình đã bị các “đại Bồ-tát gián điệp” xỏ mũi. Thật tội nghiệp!
Người khác tiếp:
_ Hóa ra các vị thích-đại-thừa vì tham xe to, khoái pháp cải biến; ham đại căn, đại phước, đại trí, đại tuệ, đại nhân, đại pháp đến nỗi không biết mình đã bị các luận sư Bà-la-môn tặng cho một màn “đại bịp” thật nham hiểm. Ở đời “tham thì thâm”, đúng thật!
Vị giáo sư chép miệng thở dài, rồi lên tiếng:
_ Tôi có một ví dụ, các em hãy suy ngẫm kỹ rồi cho thầy biết ý kiến. Giả sử thầy hiệu trưởng trao cho chúng ta bảy viên ngọc quý hiếm, vô giá, duy nhất, có một không hai, và dặn chúng ta phải giữ gìn cẩn trọng vì đó là bảo vật, là truyền thống của trường. Nhưng một bọn người thù ghét trường chúng ta đã tung ra hàng trăm ngàn ức triệu viên ngọc giả và đem bố thí cho các sinh viên trong trường. Họ làm như vậy nhằm mục đích gì?
Các sinh viên hào hứng thay nhau phát biểu:
_ Thưa giáo sư, để tầm thường hoá bảy viên ngọc vô giá của chúng ta, giống như người ta làm bạc giả để phá giá tiền thật, khiến vàng thau lẫn lộn, chánh tà khó phân. Trong kinh Tương Ưng 2, Phật Thích Ca đã dạy rành rành thế này: “Này Kassapa, Diệu pháp không biến mất cho đến khi nào tượng pháp không hiện ra ở đời. Và Kassapa khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời Diệu pháp biến mất. Ví như, này Kassapa, vàng (thật) không biến mất khi nào vàng giả chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào vàng giả hiện ra ở đời, thời vàng (thật) biến mất…Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu pháp biến mất”. Ngón đòn này phải gọi là “chế ngọc giả phá ngọc thật”.
_ Thưa, chính vì tạo được nhiều vàng giả mất giá nên mới có cái thứ “ngông ngữ” cuồng điên của những kẻ vô phân biệt: “con chó có Bụt tánh”, “Bụt là cục… khô”, “gặp Bụt giết Bụt, gặp Tổ giết Tổ”… Chiêu này gọi là “Ma hóa thành cha, xúi trẻ đốt nhà”.
_ Thưa thầy, họ làm như vậy để tung hoả mù khiến các sinh viên của trường mất phương hướng, coi thường chính những giá trị truyền thống của mình. Có nhiều ngọc giả trong tay nhưng cứ tưởng là quý giá, còn ai muốn tìm kiếm ngọc thật làm gì? Kế này gọi là “Ôm trăng đáy giếng, tưởng mình Hằng Nga”.
_ Thưa ngài, Phật Bảo thì vẽ ra đến tám muôn bốn ức trăm triệu Phật. Pháp Bảo thì nặn thêm tám vạn bốn ngàn pháp môn, mà pháp nào cũng cao siêu, tối thượng tối tôn. Đương nhiên Tăng Bảo cũng phải nát như tương Tầu chứ đoàn kết làm sao nổi, có chăng cũng chỉ ngoài mặt mà thôi. Thế võ liên hoàn không thủ đạo, ném đá dấu tay này, phải gọi đích danh là “Phanh thây Tam Bảo”.
_ Thưa thầy, để những kẻ “tu hành giả, mánh mung thật” có cơ hội đua nhau làm Phật sống, Phật tái sinh để lừa đảo người khác. Mục đích thâm độc này chính là kiểu “Vẽ đường cho giả can làm càn sư tử”.
_ Thế nhưng vẫn có nhiều người nhắm mắt, nhắm mũi tin theo các “Phật sống, Phật chết” ấy, vì họ tin rằng “chúng sanh đồng Phật tánh”, “Pháp nhĩ như thị” (Pháp vốn là như vậy). Chế tạo các nhãn hiệu dỏm tràn lan, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều người đọa địa ngục vì tà kiến, như thế phải gọi là “Mật giả chết ruồi”.
…
Nhiều sinh viên còn muốn góp thêm ý kiến nhưng tiếng chuông kết thúc giờ học vang lên. Mọi người ra về với những tâm trạng khác nhau.
Ngày… tháng… năm…
Thư ký biên bản
Pháp Trích Lục
Một số bài Kinh và Luật nói đến 6 vị Phật quá khứ
* Tạng Luật – Phân Tích Giới Tỳ-Khưu, Tập Một, Chương Verañja, Đoạn [7]
* Kinh Đại Bổn, DN 14
* Kinh A-sá-nang-chi, DN 32
* Trích kinh Vua Các Loài Rắn, Tăng Chi tập 1, Chương 4, VII. Phẩm Nghiệp Công Đức:
"...Ðức Phật là vô lượng. Pháp là vô lượng. Chúng Tăng là vô lượng. Có lượng là các loài bò sát, các loài rắn, các con bò cạp, các con một trăm chân, các loại nhện giăng tơ, các con thằn lằn và các loài chuột. Ta đã làm sự hộ trì. Ta đã làm sự che chở, mong rằng các loài hữu tình sẽ bỏ đi. Ta đảnh lễ đức Thế Tôn. Ta đảnh lễ bảy vị Chánh Ðẳng Giác."
Thừa Tự Pháp trích lục
Trước sau chỉ có Bảy Vị Phật Chánh Đẳng Giác, chính vì thế khi nói "Ðức Phật là vô lượng” có nghĩa là Chư Phật có vô lượng công hạnh, vô lượng phước báu, vô lượng trí huệ. Người trần phàm phu không thể ước lượng.
“Pháp là vô lượng” có nghĩa là các Pháp của Chư Phật có vô lượng giá trị cứu khổ, vô lượng ý nghĩa giải thoát, vô lượng công đức thế gian. Pháp trần thế gian không thể so sánh.
“Chúng Tăng là vô lượng” nghĩa là Tăng Bảo thừa tự vô lượng phước báo từ Phật Bảo, Pháp Bảo với vô lượng ân đức.
Chính vì thế, đối với người con Phật, Chánh Tam Bảo là hy hữu nhất trong những hy hữu của thế gian. Riêng Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn thì từ vô thủy vô chung đến nay trước sau chỉ có Bảy Vị, duy nhất Bảy Vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác mà thôi, không hơn không kém. Cho nên mới nói “Khó thay sự chiêm ngưỡng. Tôn nhan bậc Như Lai. Trải nhiều nhiều trăm kiếp, May lắm được một lần”.
Nói Chánh Tam Bảo vì có cả ‘ngụy tam bảo’ do ác ma bịa ra và đã có không ít người ngộ nhận. Tin theo các tăng giả, pháp giả, Bụt giả này đã không được giải thoát thì chớ, trái lại còn gieo duyên đọa xứ khổ đau vì tà kiến. Bởi Đức Thế Tôn đã nhiều lần tuyên bố: “Kẻ ôm tà kiến chỉ có hai sanh thú: địa ngục hoặc xúc sanh” (S.iv,306+308; MN 12, MN 57). Chính vì thế Chánh Kiến đi đầu trong Tám Chánh Đạo là vì vậy.
Kính tin Bảy Vị Phật Chánh Đẳng Giác duy nhất là chánh tín, chánh kiến, chánh đạo. Tin theo ngàn vạn Bụt giả, pháp giả, tăng giả là tà tín, tà kiến, tà đạo. Mỗi người phải nhận thức rõ điều quan trọng này để tự cứu mình và cứu những người thân của mình.
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC