Vừa xử xong vụ án ngoài giờ, Diêm Vương đã cho thắng ngay chiếc kiệu mây xe gió đời mới nhất để kịp đi công chuyện. Với dáng vẻ vội vã của Diêm Vương chứng tỏ ngài đang phải bận tâm đến một vấn đề rất ư trọng đại sự.
Thoáng chốc, chiếc xe đời mới một triệu mã lực với giá tám vạn bốn ngàn tỷ tiền vàng mã của Diêm Vương đã bay vèo tới trước cổng khu vườn Lộc Uyển. Xuống xe từ ngoài xa, Diêm Vương vừa rảo bước vào trong, vừa dáo dác nhìn quanh như muốn tìm gặp ai đó. Vừa đến dưới thềm chánh điện, Diêm Vương đã thấy một vị thiên nhân đang đứng trước cửa, liền nhanh miệng:
_ Xin chào thần Hộ Pháp Dhammapāla. Ngài vẫn mạnh giỏi chứ?
_ Tâm bất động là khỏe. Còn ông? Thần Hộ Pháp đối đáp lấy lệ.
_ Ôi chao, quá mệt ngài ạ, địa ngục càng lúc càng đông! Tôi phải xử đêm không đủ, tranh thủ xử cả buổi tối nhưng vẫn chưa hết việc. Phù, căng thẳng quá! (Chú thích: dưới địa ngục không có ban ngày)
Nói xong Diêm Vương đảo mắt nhìn quanh như sợ có ai nghe thấyrồi ghé vào tai thần Hộ Pháp nói nhỏ:
_ Có cả con của Bụt nữa đấy. Họ cứ luôn miệng khóc gào kêu oan. Tôi cũng bắt mệt vì họ. Ngài hiểu cho.
Thần Hộ Pháp vẫn điềm nhiên như đã biết mọi sự, thẳng thừng lớn tiếng:
_ Hiểu gì nữa! Đức Phật đã tiên tri rồi, thời tượng pháp thịnh hành, chánh pháp bị suy đồi thì như vậy chứ sao. Giống như khi vàng giả ra đời, vàng thật phải biến mất chứ có gì là lạ. Ngài còn dạy rõ “khi nào những người ngu có mặt chính họ làm diệu pháp biến mất”nữa kia (1)
Như bị câu nói của Hộ Pháp làm cho nhột nhạt, Diêm Vương gãi đầu gãi tai, gượng cười chiếu lệ, giọng ỡm ờ:
_ Bảo vệ Phật pháp là trách nhiệm của người khác, không phải của tôi, thưa ngài.
Thần Hộ Pháp nhìn Diêm Vương vẻ thách thức:
_ Trách nhiệm của ai, ông cứ nói thẳng ra!
Diêm Vương vờ tảng lơ:
_ À, chuyện đó mỗi người phải tự hiểu. Tôi chỉ muốn nói có nhiều ngục nhân cứ níu lấy áo tôi, suốt đêm lẫn tối họ cứ trách trời hét đất sao không có mắt. Những người không làm ác chỉ một lòng tu theo kinh theo điển, nhưng sao vẫn bị đọa địa ngục. Còn những kẻ có lỗi lại cứ phây phây ngồi chơi xơi nước. Thú thiệt nhiều lúc tôi cũng cứng họng, hết đường trả lời.
Thần Hộ Pháp nhướng mày:
_ Họ không làm ác và tu theo kinh điển như thế nào?
_ Họ bảo cả đời chỉ biết ăn chay. Ai nấy cũng chí tâm một lòng tu theo các Tổ chỉ dạy. Phật pháp tuy đa phương đa diện, có đến tám muôn bốn ngàn, nhưng rốt lại chúng đều có chung một gốc giống như cây cổ thụ có nhiều cành lá. Phái nào cũng nói Năm uẩn, kinh nào cũng dạy Tứ Đế, thầy nào cũng nhắc tội phước, ai ai cũng biết sám hối chứ có khác gì nhau?
_ Cũng nói Năm Uẩn để rồi giai không cả dơ lẫn sạch. Cũng nói Tứ Đế để rồi “vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Cũng nói tội lỗi để rồi “chỉ cần sao chép một bài chỉnh cú bốn câu trong kinh Hoa nghiêm cũng mau chóng diệt được năm tội vô gián: giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng”. Cũngsám hối để rồi lờ qua nhân quả, vất bay tội lỗi không thua gì những kẻ vô lương tâm “tội do tâm khởi do tâm diệt, tâm đã tịnh rồi tội liền tiêu, tội tiêu tâm tịnh thảy đều không, đó mới thực là chân sám hối”. Hừ, ăn chay mà tụng niệm như thế liệu có chánh kiến không? Quay lưng với Chánh Phật Pháp, theo kẻ ác tin bậy, không chịu nhìn kỹ cây cổ thụ đã bị các dây leo bám vào tàn hoại mà cứ tưởng là cành lá chính. Với bấy nhiêu tội tà kiến có bị đọa địa ngục còn oan khuất gì nữa? Ai đã phải nhiều lần nhắc nhở “Kẻ ôm tà kiến chỉ có hai sanh thú: địa ngục hoặc súc sanh”? (2)
Diêm Vương nhún vai, xòe cả hai tay phân bua:
_ Tôi cũng nói như vậy nhưng người ta nhất định không nghe, cứ một lòng tin nơi các Tổ. Thế mới khốn!
_ Làm sao khác được!
_ Vì sao?
_ Vì chính ông là kẻ gây ra tất cả chứ ai. Mới năm trăm năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, lợi dụng thời cơ thuận tiện ông đã cho mấy tên tay sai quỷ sứ lên dương trần tung kinh giả, luật giả, luận dởm để gieo rắc tà kiến, phá hoại Phật pháp, lôi kéo thêm nhiều người vào địa ngục nhằm củng cố quyền lực cho ông chứ sao. Thôi, đừng đóng kịch nữa! Ông không lấy vải thưa mà che mắt Thánhđược đâu! Đừng bày đặt giả mù xa mưa nữa, định chơi trò “ăn cướp la làng” với tôi hả, đừng hòng! Này, báo cho ông hay, ông cũng sắp hết thời rồi đó. Đã đến lúc chánh tà phân minh, vàng thau phân định. Rồi đây chính các người sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián vì cái tội phá hoại Tam Bảo chứ không có ai khác. Liệu hồn!
Nạt xong một hơi, Thần Hộ Pháp vươn mình đứng dậy, ấn mạnh ngón chân xuống đất. Cả vũ trụ lên cơn chấn động dữ dội y như trận cuồng phong cấp mười ngàn, nhưng kỳ lạ thay, chỉ có mỗi Diêm Vương là bị ảnh hưởng phải xoay mòng lảo đảo, té sấp té ngửa.
Vừa sợ hãi vì thần uy, vừa xấu hổ vì âm mưu bại lộ, Diêm Vương phải vội vàng ôm đầu lủi nhanh xuống đất biến mất. Vì quá khiếp đảm trước thần lực của Dhammapāla, vị chúa ngục hốt hoảng chạy trối chết đến quên cả chiếc đại xa ngàn tỷ của ngài. Chẳng biết sau này nó có bị sung vào công quỹ hay không? Thiệt uổng!
HỘ PHÁP DHAMMAPALA
---------------------------
(1) Kinh Tương Ưng tập 2, trang 386: Phật dạy cho ông Kassapa: “Ví như, này Kassapa, vàng (thật) không biến mất khi nào vàng giả chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào vàng giả hiện ra ở đời, thời vàng (thật) biến mất.
(1) Kinh Tương Ưng tập 2, trang 386: Phật dạy cho ông Kassapa: “Ví như, này Kassapa, vàng (thật) không biến mất khi nào vàng giả chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào vàng giả hiện ra ở đời, thời vàng (thật) biến mất.
Cũng vậy, này Kassapa, Diệu pháp không biến mất, khi nào tượng pháp chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời Diệu pháp biến mất.
Này Kassapa, địa giới không làm Diệu pháp biến mất, thủy giới không làm Diệu pháp biến mất, hỏa giới không làm Diệu pháp biến mất, phong giới không làm Diệu pháp biến mất.
Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm Diệu pháp biến mất”
(2) “Và này Lohicca, Ta nói rằng một người có tà kiến sẽ sanh vào một trong hai ác thú sau đây: địa ngục hay súc sanh.” (Kinh Lohicca (Lô-hi-gia), số 12, Trung Bộ 1)
“Đối với kẻ có tà kiến, Ta nói có một trong hai sanh thú như sau: địa ngục hay bàng sanh” (Kinh Hạnh Con Chó, số 57, Trung Bộ 2)
“Ai rơi vào tà kiến, này Thôn trưởng, Ta nói rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh”. (S.iv,306)
“Ai rơi vào tà kiến này, này Chiến đấu sư, Ta nói rằng, người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: Một là địa ngục, hai là súc sanh”.(S.iv,308)