Trong phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền Bồ-Tát, kinh Hoa Nghiêm (Bản dịch của HT Thích Trí Quang) còn ghi rõ rành rành:
“Đối với mười đại nguyện này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng đọc thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu, cũng mau chóng diệt được năm tội vô gián.”
Câu hỏi: Chỉ cần sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu, cũng mau chóng diệt được năm tội vô gián: giết mẹ, giết cha, làm Phật chảy máu, giết A La Hán, phá hoà hợp Tăng. Chánh Pháp và luật nhân quả thể hiện như thế nào đây?
Một Ma vương không thể giả Bụt để nói như thế chăng? Chứng minh?
Cũng phẩm kinh trên, đoạn số 57:
“Nếu mà xưa kia
không có trí tuệ
nên tạo năm tội
địa ngục Vô gián,
nhưng nếu ngày nay
tụng đại nguyện vương
của đức Phổ hiền,
thì một sát na
tiêu diệt tức thì
năm tội như vậy”.
Câu hỏi: Lần lượt giết mẹ, giết cha, làm Phật chảy máu, giết A La Hán, phá hoà hợp Tăng rồi chỉ việc tụng đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền “thì một sát na tiêu diệt tức thì năm tội như vậy” có hợp đạo lý, đúng nhân quả không? Nếu không, tại sao?
Nguyện thứ bảy của Phổ Hiền “…đối với chư vị Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, cho đến hết thảy các bậc Thiện tri thức, tôi đều khuyên mời đừng nhập Niết-bàn, hãy sống với những thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, để lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh.”
Câu hỏi: Những ai tin Phổ Hiền phân biệt thế nào giữa Niết-bàn hữu dư y và Niết-bàn vô dư y?
Tại sao Đức Phật và các Thánh Tăng A La Hán đều nhập Niết-bàn nhưng vẫn giúp biết bao chúng sanh an vui?
Câu hỏi: Tại sao Phổ Hiền không biết khuyên mọi người nhập Niết-bàn hữu dư y và tiếp tục làm lợi ích cho chúng sanh; và trước khi nhập Niết-bàn vô dư y hãy đào tạo những người theo sau như các Thánh Tăng Tiểu Thừa?
Một kẻ còn bị sa lầy, còn bị chết đuối có cứu được kẻ trong bùn lầy được không?
Câu hỏi: Đức Phật trong chánh kinh chánh gốc khuyên dạy “Nhập vào Niết-bàn là sự thực hành phạm hạnh. Niết-bàn là mục tiêu cuối cùng. Niết-bàn là cứu cánh” (Tương Ưng tập 3, trang 331); và nhấn mạnh “Ðồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc” (S.v,8).
Trong khi đó, Phổ Hiền trong Hoa Nghiêm xuất hiện hằng trăm năm sau do Bà-la-môn Long Thọ kết tập, một người có trí theo tinh thần khách quan khoa học nên tin vào đâu trước?
Nguyện thứ tám: “thường học theo Phật là như đức Tỳ lô giá na như lai của thế giới Sa bà này… lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích huyết làm mực, sao chép kinh điển chất bằng núi Tu di, vì tôn trọng chánh pháp mà thân mạng còn không tiếc…”
Câu hỏi: Đức Phật trong kinh Nguyên Thủy đã dạy: “Trong một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, người tinh cần tinh tấn sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết...
Trong một pháp luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống tinh cần tinh tấn, người ấy sống an lạc. Vì cớ sao? Vì pháp được khéo thuyết”? (Tăng Chi, Chương 1, trang 73).
Sống theo Phổ Hiền khổ hay sướng? Pháp luật của Hoa Nghiêm vụng thuyết hay khéo thuyết?
Câu hỏi: Đức Thế Tôn của ‘Tiểu Thừa’ dạy tiếp: “Ở đây, này Tỷ-kheo, Bậc Hiền trí, Ðại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là Bậc Hiền trí, Ðại tuệ” (Kinh Tăng Chi II, tr. 159).
Theo lời dạy trên, Phổ Hiền trong Hoa Nghiêm của Bà-la-môn Long Thọ có phải là bậc ác trí, tiểu tuệ không?
Nguyện thứ mười: “…mở bày đường chính của nhân loại chư thiên và Niết-bàn. Nếu chúng sinh vì làm bao nghiệp dữ mà bị những quả khổ nặng nề thì tôi chịu thay hết cho họ, làm cho họ được giải thoát, cứu cánh thành đạt vô thượng bồ đề”.
Câu hỏi: Mới nguyện thứ bảy Phổ Hiền khuyên mời đừng nhập Niết-bàn, vậy mà đến đây nói ngược lại. Cách nhau có mấy nguyện mà đã lú lẫn mâu thuẫn trước sau là bệnh gì?
Các Bồ-tát khác của Đại Thừa hẳn cũng như vậy?
Những kẻ diệt chủng, buôn người bán ma túy v.v.. dù làm bao nghiệp dữ cũng không còn sợ gì nữa vì đã có Phổ Hiền chịu thay hết cho họ. Các ác nhân còn sợ gì nữa?
TẬP SAN HỌC PHẬT